Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề “gieo con chữ”

Trần Cao Anh - 10:55, 14/02/2023

Suốt 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh là người biết vượt lên tất cả khó khăn thường nhật, ngày đêm âm thầm “thắp lửa” nơi bản làng xa xôi, heo hút của vùng cao để “gieo con chữ”. Cô được người dân Bhnoong (Gié Triêng) ở vùng cao Phước Thành, xã Phước Sơn (Quảng Nam) yêu quý như người con của bản làng.

Cô Hạnh đang hướng dẫn cho các em học sinh ngoài giờ học trên lớp
Cô Hạnh đang hướng dẫn cho các em học sinh ngoài giờ học trên lớp

Bám bản làng để “gieo con chữ”

Phước Thành là 1 trong 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn, giáp với tỉnh Kon Tum là 1 trong những xã nghèo của huyện, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cây lúa, chăn nuôi và làm nương rẫy. Toàn xã có hơn 750 hộ, với gần 2,4 nghìn nhân khẩu, nhưng số hộ nghèo chiếm tới hơn 55%, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, sinh năm 1975 đã có 25 năm nghề cho sự nghiệp giáo dục “gieo con chữ” vùng cao. Trong những năm qua, cô Hạnh là người miền xuôi gắn bó với học sinh người Bhnoong của xã. Hiện nay, cô Hạnh là Phó Hiệu trưởng kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp 5, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Phước Thành.

Cô Hạnh kể lại: Ngày đó con đường vào trường chỉ có những lối mòn nhỏ leo qua các đỉnh núi mang tên “dốc cổng trời” từ điểm trường chính đến điểm trường thôn Trà Va b, ngày ngày tôi phải men theo các khe núi trập trùng, bên là sườn núi bên là trường. Lớp học còn rất tạm bợ, rộng khoảng chừng 40 m2 dành cho 2 lớp học, phòng học được thưng bằng tre nứa, tứ bề trống hoắc, mái lợp lá cọ lâu ngày cũng dột nát, gió thổi thông thốc bốn bề. Những ngày vào Đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Mỗi lần trời mưa thì sách vở học trò ướt hết!

Bản thân tôi khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm 12+2 ra trường, tôi xung phong lên Phước Sơn để dạy học, lúc đó tuổi thanh xuân còn đang phơi phới. Lớp học đầu tiên của tôi là lớp ghép 2+3, có 8 - 9 học sinh. Các em học sinh đều là người Bhnoong, do được ít tiếp xúc với bên ngoài nên học sinh rất nhút nhát. Cô trò ngôn ngữ bất đồng, bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân địa phương còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu dẫn đến việc học của các em gặp nhiều khó khăn.

Để vận động học trò tới lớp, cứ mỗi chiều tôi đến từng nhà dân trong bản để tìm hiểu phong tục tập quán và động viên gia đình cho con em đi học. Nhưng con trẻ hằng ngày thường theo bố mẹ lên nương rẫy. Vì thế đôi lúc vào tận nương rẫy để đón học trò đến lớp, thế rồi dần dần cũng trở thành thói quen; bây giờ những đứa học trò đầu tiên của tôi đã tốt nghiệp đại học hay đã ra trường công tác ở các nơi trong và ngoài huyện, do đó tôi rất yêu thương các em và gắn bó với mảnh đất này, cô Hạnh chia sẻ.

Tất cả vì học sinh thân yêu

Lên công tác và dạy học ở vùng cao đến nay 25 năm rồi, trong 2 năm đầu tôi phải học tiếng bản địa, thứ nhất, để tránh bất đồng ngôn ngữ, thứ hai là hiệu quả mỗi khi đến vận động phụ huynh cho con em đi học. Còn vào mùa nương rẫy, các bậc cha mẹ thường cho con đi nương rẫy, giáo viên đến tận nhà để vận động. Nhiều lúc trời tối lạc cả vào rừng. Tôi thường xuyên phối hợp với già làng và đoàn thể để vận động gia đình cho con đi học, không để con cái thiếu hiểu biết, học con chữ để đầu óc mình sáng ra, người xấu vào bản làng lừa phỉnh là mình biết ngay. Nếu có con chữ khi trồng ra cây lúa sẽ cho nhiều hạt hơn.

Bằng sự tuyên truyền, vận động có tình, có lý, cộng với sự tận tâm của mình, cô Hạnh đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong công tác. Đặc biệt, điểm trường của cô luôn đông đủ học sinh, những năm học gần đây, không còn em nào bỏ học; học sinh lớp do cô Hạnh dạy đều đạt giải trong các cuộc thi, cũng có học sinh đạt giải Nhất, Nhì cấp trường về cuộc thi vở sạch, chữ đẹp và cuộc thi giao lưu với các cụm trường trong huyện.

Niềm vui của cô giáo cắm bản

Với tình yêu nghề, mến trò, cô Hạnh và các thầy cô giáo dạy trên các huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các huyện vùng sâu, vùng xa trong cả nước nói chung đang ngày đêm vượt qua muôn vàn khó khăn để bám bản làng, bám nghề, đưa ánh sáng văn hóa tri thức tới các học trò. Cảm phục và thiêng liêng biết bao đối với sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người của họ! Những ai đã chứng kiến hình ảnh cụ thể ấy không khỏi bùi ngùi xúc động; các người thầy, cô giáo đã làm cho chúng ta suy nghĩ đến sự tốt đẹp đầy tính nhân văn về nghề giáo, một nghề mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Thầy giáo Đặng Đình Mỹ - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Phước Thành chia sẻ: “Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh là một tấm gương sáng cho phong trào mỗi thầy cô tự học và sáng tạo. Nhiều năm qua, trường luôn là lá cờ đầu trong phong trào học tập của 5 xã vùng cao của huyện. Có được thành quả ấy là sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các thầy cô trong Hội đồng Sư phạm nhà trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cô Hạnh”.

Chia tay các thầy cô giáo trường vùng cao ngày đầu Xuân Quý Mão chúng tôi thật sự xúc động. Những thầy cô giáo nơi đây cùng với rất nhiều thầy cô giáo khác tại các điểm trường vùng cao khác đã hi sinh cả tuổi thanh xuân và lòng nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp trồng người ở vùng cao, không ngoài mục đích tất cả vì học sinh thân yêu. Những người giáo viên ấy được ví như những bông hoa đẹp, đang ngày đêm cần mẫn ươm mầm cả một vườn hoa trên khắp các bản làng vùng cao với hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

Tin cùng chuyên mục
Đường đến ước mơ của chàng trai người Mông Giàng Mí Lía

Đường đến ước mơ của chàng trai người Mông Giàng Mí Lía

Dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), thế nhưng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Giàng Mí Lía đã trở thành sinh viên Học viện An ninh Nhân dân đầu tiên của địa phương.