Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người thầy và lớp học yêu thương ở xã vùng sâu Ea M’droh

Hoàng Thùy - 10:00, 18/11/2022

Gần chục năm rong ruổi khắp buôn làng, đến từng nhà học trò nghèo tặng đồ dùng học tập, tâm tình chia sẻ với phụ huynh, thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk đã tạo lập thói quen học bài, tạo động lực giúp trẻ em nghèo vùng sâu tiếp tục tìm con chữ, viết tiếp ước mơ tươi sáng.

Thầy Mai Văn Chuyền hướng dẫn học sinh học tập
Thầy Mai Văn Chuyền hướng dẫn học sinh học tập

Gieo con chữ yêu thương

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng năm 2009, thầy Mai Văn Chuyền về công tác tại Trường THCS Nguyễn Huệ tại xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar. Năm 2015, thầy Chuyền chuyển công tác về Trường THCS Ngô Mây đóng chân trên địa bàn xã nghèo Ea M’droh.

Ở đây, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 94% với nhiều thành phần dân tộc. Các em nhút nhát, e dè, khả năng ứng xử còn hạn chế và không có hứng thú học tập. Tình trạng học sinh nghỉ học không có lý do, cứ thế diễn ra từ năm này qua năm khác, nhất là các kỳ nghỉ và vào vụ thu hoạch nông sản.

Thầy Chuyền mở lớp dạy miễn phí vào buổi tối, cùng vợ là cô giáo Nguyễn Thị Nhung (giáo viên Trường Tiểu học Bùi thị Xuân) đến từng nhà vận động học sinh, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp. “Thời điểm đó, trong suy nghĩ của các em học sinh và cả phụ huynh ở đây học chỉ để biết chữ chứ không nuôi sống được con người nên chẳng ai thiết tha chuyện học, ngay cả khi học miễn phí”, Chuyền chia sẻ.

Lớp học miễn phí cho học sinh nghèo
Lớp học miễn phí cho học sinh nghèo

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp ở buôn nghèo này, thầy Chuyền chia sẻ: Ngày ấy, việc duy trì sĩ số trên lớp học chính còn rất khó khăn. Tôi mua sách vở, đồ dùng học tập và bày nhiều trò chơi hữu ích để kích thích húng thú học ở các em. Thời gian đầu, lớp học chỉ được vài học sinh. Vợ chồng tôi phối hợp cùng Chi đoàn buôn đến nhà gặp phụ huynh tâm tình, chia sẻ, xin dẫn các em đến lớp, học xong đưa các em về. Cứ như vậy lớp học dần đi vào nề nếp, học sinh đến lớp ngày càng đông hơn. Tôi chỉ muốn tạo môi trường và thói quen học bài, giúp các em học sinh tiến bộ hơn trong học tập và rất mừng vì học sinh đến lớp ngày một đông.

Số lượng học sinh tham gia lớp học yêu thương ngày càng đông, trong khi nhà văn hóa cộng đồng không đủ chỗ cho việc dạy học. Thời điểm này, trên địa bàn có một lớp học mẫu giáo bị bỏ hoang, nên thầy Chuyền đã mạnh dạn xin xã sửa chữa một lớp mẫu giáo bỏ hoang và kêu gọi sự đóng góp của mọi người, để lớp học yêu thương được mở rộng. Nhờ vậy đến nay, lớp học yêu thương tiếp tục được duy trì, không chỉ tổ chức dạy học trong dịp Hè mà xuyên suốt cả năm học.

Thầy Chuyền cùng các mạnh thường quân trao xe đạp cho học sinh khó khăn
Thầy Chuyền cùng các mạnh thường quân trao xe đạp cho học sinh khó khăn

Lớp học yêu thương hiện có khoảng 200 em học sinh từ lớp 1 - 9. Các lớp học duy trì một tuần 3 buổi, 8 giáo viên tình nguyện đứng lớp với các môn học khác nhau. Lớp học yêu thương đã giúp cho học sinh ngày càng thích thú học tập và đến trường đều đặn hơn,  giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng trên địa bàn xã.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sáng trực tuyến, nhiều học sinh không có phương tiện để học. Hiểu được nỗi lòng của nhiều học trò nghèo, thầy Chuyền quyết tâm không để học sinh nào phải ở lại phía sau, thầy đưa tải câu chuyện về hoàn cảnh của các em lên mạng xã hội và kêu gọi hỗ trợ 5 chiếc điện thoại và 1 cái máy tính bảng cho học sinh nghèo.

Thầy Đinh Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây nhận định: Cùng với công tác chuyên môn, thầy Chuyền còn nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt rất quan tâm đến hoàn cảnh, điều kiện của các em học sinh. Ngoài việc dạy học trên lớp, thầy dành thời gian xuống thôn, buôn nắm tình hình hoàn cảnh của học sinh để kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho học sinh đến trường.

Những hoạt động, chương trình mà thầy Chuyền thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân cũng như các em học sinh. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và hình thành các kỹ năng cho các em.

Thầy Chuyền trao dê cho gia đình học sinh nghèo
Thầy Chuyền trao dê cho gia đình học sinh nghèo

Kết nối những tấm lòng

Với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thầy Chuyền không chỉ khơi dậy tinh thần học, mà còn kết nối những tấm lòng lương thiện, hỗ trợ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, thầy Chuyền đã kêu gọi hỗ trợ 6 xây mới ngôi nhà Khăn quàng đỏ, trị giá mỗi nhà 80 triệu đồng và sửa chữa 1 căn nhà cho học sinh chăm ngoan, vượt khó, học giỏi. Hỗ trợ gia đình 10 học sinh có khăn, mỗi hộ 3 con dê, đến nay có những đàn dê sinh sản lên tới 20 - 30 con.

Ngồi trong căn nhà Khăn quàng đỏ vừa được trao tặng vào tháng 10/2021, em Ngạc Công Vĩnh (học sinh lớp 7B, Trường THCS Ngô Mây) chia sẻ: “Trước đây, cả gia đình em sống trong căn nhà ván lụp sụp. Mỗi khi trời đổ mưa, cả gia đình không có chỗ ngủ, chỉ biết co ro một góc vì nhà dột khắp nơi. Đến tháng 10/2021, được sự giúp đỡ của thầy Chuyền và đóng góp của mọi người, gia đình em được hỗ trợ xây dựng căn nhà Khăn quàng đỏ khang trang, kiên cố. Nhờ vậy, mỗi khi trời mưa bão, mọi người yên tâm ở trong nhà”.

Nắm bắt từ thực tế, thầy Chuyền xây dựng nhiều chương trình hay hỗ trợ học sinh khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, thầy Chuyền cũng sử dụng kinh phí do mọi người đóng góp để mua tặng gần 300 chiếc xe đạp cho học sinh trên địa bàn huyện Cư Mgar. Thầy Chuyền đã tận tay trao 33 bộ bàn ghế, giá 750.000 đồng/bộ, khoảng 1.500 chiếc đèn học với giá 100.000 đồng/chiếc đèn, 7.000 cuốn vở, 700 chiếc ba lô và hơn 200 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo ở nhiều xã trên địa bàn huyện Cư Mgar.

Thầy Chuyền trực tiếp mang “góc học tập” đến tận nhà học sinh
Thầy Chuyền trực tiếp mang “góc học tập” đến tận nhà học sinh

Với những cống hiến của mình, 10 năm qua thầy Mai Văn Chuyền được các cấp kịp thời biểu dương khen thưởng. Năm 2020, thầy được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng; giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho cán bộ đoàn tiêu biểu toàn quốc. Tháng 1/2021, thầy vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Mdroh cho biết: Xã có khoảng 90% đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Từ khi về địa phương công tác, thầy Chuyền không chỉ làm tốt chuyên môn mà luôn quan tâm học trò của mình. Thầy Chuyền đã kết nối các mạnh thường quân và đưa rất nhiều chương trình về hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Những món quà này, đã giúp nhiều học sinh khó khăn có điều kiện đến trường, tiếp thêm động lực để vươn lên trong học tập và góp phần lớn hạn chế, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học cũng như giảm nghèo trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.