Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nêu gương để bà con làm theo

Hoài Dương - 09:36, 08/06/2020

Từng trải qua nhiều vị trí như Công an viên, Trưởng bản, nay với vai trò là Người có uy tín của bản, ông Hoàng Văn Sòi, sinh năm 1970, dân tộc Lào, ở bản Phiêng Sản, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) không chỉ làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền với người dân, mà ở mỗi vị trí khác nhau ông luôn nêu gương đi đầu, góp phần xây dựng bản làng yên bình, quê hương đổi mới.

Trưởng bản, Người có uy tín Hoàng Văn Sòi (bên phải) tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho dân bản.
Trưởng bản, Người có uy tín Hoàng Văn Sòi (bên phải) tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho dân bản.

Phiêng Sản cách trung tâm xã Mường Khoa khoảng 3km. Bản có 120 hộ, 607 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Lào. Theo Trưởng bản, Người có uy tín Hoàng Văn Sòi, trước đây vào những năm 2000 trở về trước, đời sống của người dân Phiêng Sản rất khó khăn, do kinh tế chủ yếu là làm ruộng, đi làm thuê ở các địa phương khác; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 - 6 triệu đồng/người/năm. Bởi vậy, trong một thời gian dài, ở Phiêng Sản, tình trạng trộm cắp diễn biến rất phức tạp, đối tượng chủ yếu là thanh niên.

Khi ấy, với vai trò Công an viên, ông đã kết hợp với chính quyền địa phương, già làng, Người có uy tín tuyên truyền bà con nêu cao cảnh giác, bảo vệ tài sản, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản. Nếu như trước năm 1999, năm nào cũng xảy ra 17 - 20 vụ trộm cắp, thì từ năm 2010 đến nay, tình trạng trộm cắp tài sản của người dân tại bản đã hoàn toàn không còn.

Đặc biệt, khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2011, ông cũng là người tiên phong, để bà con thấy cái hay cái tốt mà làm theo.

Đơn cử như, nhận thấy cần phải chấm dứt ngay tình trạng đi vệ sinh bừa bãi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, năm 2011 ông đã xuống huyện tìm hiểu và học hỏi cách làm nhà tiêu hợp vệ sinh, sau đó tổ chức họp bản để vận động và hướng dẫn bà con làm nhà tiêu hợp vệ sinh. “Ban đầu bà con chưa làm theo vì nghĩ tốn kém và không cần thiết. Nhưng sau 1 năm nhà tôi làm và đưa vào sử dụng, công tác vận động của tôi dễ dàng hơn. Đến năm 2017, 118 hộ trong bản đều đã có nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt được tình trạng đi vệ sinh bừa bãi”, ông Sòi chia sẻ.

Ông cũng là người gương mẫu đi đầu góp công, hiến đất xây dựng NTM. Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông đã góp hơn 5.000m2 đất để xây dựng trường mầm non Phiêng Sản, làm đường liên bản, đường nội đồng… và vận động được các hộ dân đóng góp được hơn 2km đường liên bản, 1km đường nội đồng và hơn 1.700 ngày công lao động. Tháng 9/2019, bản Phiêng Sản vui mừng đón nhận danh hiệu bản NTM.

Song song với những hoạt động đó, để giúp các hộ dân trong bản phát triển kinh tế, ông xác định kinh tế gia đình mình phải khá thì người khác mới nghe và làm theo. Năm 2016 ông đầu tư mua hơn 13ha đất để trồng chè, chăn nuôi thêm trâu, dê, lợn, gà, vịt. Bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Từ hiệu quả kinh tế của gia đình ông, năm 2017, người dân bản đã bảo nhau không đi làm thuê xa nữa mà học ông cách trồng chè. Đến nay, toàn bản đã có gần 90ha chè. Chè trở thành cây trồng mang lại kinh tế chính của bản, với trung bình mỗi hộ dân có thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Kết thúc năm 2019, thu nhập bình quân của bản đạt 32 - 33 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2011, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Với những cống hiến và đóng góp của mình, năm 2019, ông Sòi vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen nhân dịp Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lai Châu lần thứ III và là 1 trong 33 đại biểu của tỉnh Lai Châu được vinh dự tham dự Đại hội Đại biểu DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020 sắp tới.

Tin cùng chuyên mục
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.