Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ngành Công Thương đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng

Thúy Hồng - 19:30, 26/12/2022

Chiều 26/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Bộ Công Thương. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước; cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp có lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý.

Về phía Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, năm 2022, nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt, nhất là tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... Trong nước, do tác động từ tình hình thế giới và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng cho rằng, nền kinh tế nước ta cần có thời gian để tích lũy, phục hồi, nền kinh tế lại có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế... đặt ra những khó khăn, thách thức lớn trong nhiều lĩnh vực.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, linh hoạt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, KT-XH nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. GDP tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua; sản xuất công nghiệp tăng gấp đôi mức tăng của năm trước; xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư trên 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm trước.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

“Đóng góp vào thành tích chung đó, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Trình bày tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đã được nối lại và đa dạng hóa. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng khoảng 9,5%, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nổi bật là xuất nhập khẩu tiếp tục tạo kỷ lục mới với tổng kim ngạch ước đạt gần 732 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, (vượt 2,5% so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với giá trị khoảng 11 tỷ USD.

Hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp. Doanh thu thương mại điện tử đạt 16,4 tỷ USD, được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với nhiều phương thức và sáng kiến mới; phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm (xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng hơn 45%, UKVFTA tăng hơn 45%...).

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá, phát triển ngành Công Thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại như: Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn hạn chế.

Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ chậm cải thiện.

Hệ thống hạ tầng thương mại như: Chợ đầu mối, trung tâm Logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển…

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp.

Cụ thể tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện, thể chế hóa Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tập trung xây dựng Luật phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu….

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.