Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V-năm 2019: Hội tụ và lan tỏa

PV - 09:41, 27/08/2019

Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ rất đa dạng, đặc sắc. Những nét tinh túy nhất trong văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm đã hội tụ trong sự kiện “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019” vừa diễn ra từ ngày 18-21/8 tại Phú Yên.

Với chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch”, Ngày hội là nơi để đồng bào Chăm ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, tại các gian trưng bày, cộng đồng người Chăm ở mỗi địa phương trình diễn, giới thiệu nét đặc sắc riêng trong văn hóa của mình.

Đồng bào Chăm H’roi ở tỉnh Phú Yên hiện còn gìn giữ phong tục các lễ cúng như: Cúng bến nước, lễ mừng tuổi cho con cháu trưởng thành, cúng ăn mừng lúa mới, lễ cầu mưa… Tại Ngày hội lần này, một phần nghi lễ cúng lúa mới đã được các nghệ nhân dân gian tái hiện trên sân khấu để giới thiệu đến đồng bào Chăm trong cả nước và du khách. Những hiện vật mang dấu ấn kiến trúc Chămpa mới được khai quật từ Đồng Miễu (huyện Phú Hòa) có niên đại từ thế kỷ IV đến VI cũng được giới thiệu đến công chúng.

Lễ cúng sức khỏe của đồng bào Chăm H’roi tỉnh Phú Yên được tái hiện trong ngày hội. Lễ cúng sức khỏe của đồng bào Chăm H’roi tỉnh Phú Yên được tái hiện trong ngày hội.

Chị So Thị Sổ, nghệ nhân Chăm ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: Mỗi nơi có một sắc màu văn hóa khác nhau, chính vì vậy tại ngày hội này, đồng bào Chăm cả nước được gặp nhau, chia sẻ và học hỏi để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Đồng bào Chăm H’roi Bình Định cũng mang đến lễ hội những nét đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm và tái hiện Lễ hội cầu mưa. Nghệ nhân Lê Văn Ru, làng Hiệp Hội, huyện Vân Canh (Bình Định) chia sẻ: Với mong muốn mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc... đồng bào Chăm thường tổ chức Lễ hội cầu mưa trước khi vào đầu tháng 2 âm lịch.

Theo nghệ nhân Lê Văn Ru, Lễ hội cầu mữa diễn ra  tại  trung  tâm  của  làng. Tất cả người dân trong làng đều phải có mặt. Đại diện cho từng gia đình đến chạm tay và  khấn vái  trước  lễ  vật  để được thần linh phù hộ. Lễ vật gồm có: 2 con gà trống, 2 ché rượu, 1 vòng sáp ong, 1 chén gạo…

“Đây là dịp để người Chăm tạ ơn trời đất đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống no đủ nên đến nay, người Chăm H’roi vẫn di trì lễ hội này”, nghệ nhân Ru cho biết.

Đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận lại đem tới Ngày hội những sắc màu độc đáo khác. Đó là sản phẩm của các làng nghề truyền thống như làm bánh gừng hay dệt thổ cẩm…

Đồng bào Chăm Bình Thuận giới thiệu nghề dệt thổ cẩm tại ngày hội. Đồng bào Chăm Bình Thuận giới thiệu nghề dệt thổ cẩm tại ngày hội.

Bà Long Thị Nhang, xã Bình Tiến huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết: dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của gia đình bà. Bà đã theo nghề này từ khi 15 tuổi. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm dệt không thể thiếu đối với trang phục truyền thống của cộng đồng Chăm. Công việc dệt thổ cẩm không chỉ mang lại thu nhập mà còn để lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong văn hóa của cha ông.

Theo ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V, những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng cao. Đồng bào luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Sự đa dạng của văn hóa đồng bào Chăm hòa cùng những giá trị lịch sử-văn hóa của Nhân dân các dân tộc anh em, tạo thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.

“Trong bức tranh văn hóa chung rất đẹp, rất đáng tự hào, văn hóa và những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Chăm có một vị trí rất nổi bật. Tiêu biểu là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc với những ngôi đền tháp gạch độc đáo, uy nghi hùng vĩ và những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ mang dấu ấn sâu đậm về nếp sống gia đình, nghi lễ tôn giáo. Ngoài ra, đồng bào Chăm còn có nghề dệt truyền thống, nghề làm gốm và một số các nghi lễ đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy”. (Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Ngày hội)

LÊ PHƯƠNG