Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngày Xuân vui hội “Tà moòi”

Khánh Nguyên - 10:53, 16/01/2021

Khi Tết đến Xuân về, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam thường tổ chức hội “Tà moòi” (thăm viếng nhau) để tạo sự gắn kết tình cảm giữa hai bên thông gia.

Đồng bào Cơ Tu vui trong hội “tà-moòi” đầu năm mới.
Đồng bào Cơ Tu vui trong hội “tà-moòi” đầu năm mới.

Theo già làng Y Kông ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam), hội “Tà moòi” luôn được đồng bào Cơ Tu duy trì và gìn giữ từ lâu đời. Tùy theo từng địa phương cư trú mà tập tục này được gọi các tên gọi khác nhau, như: Tục tr’záo, r’záo hay vội r’hay. Hội “Tà moòi” có thể diễn ra vào thời điểm trước hoặc sau Tết Nguyên đán, bởi đây là thời điểm đồng bào đã thu hoạch xong lúa mùa, tiết trời mùa Xuân ấm áp, thích hợp cho việc thăm viếng nhau.

Ông Palăng Bưng, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang cho hay, theo phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trước khi vào hội “Tà moòi”, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một số món quà để tặng cho gia đình nhà trai. Đó có thể là ché rượu cần, nếp xôi, xà - lùng thổ cẩm, cùng với những món ẩm thực truyền thống khác như: Cá suối, thịt gà, vịt… Tùy theo điều kiện của nhà trai, hoặc khoảng cách giữa hai nhà thông gia xa hay gần mà đoàn nhà gái có thể ở lại nhà trai hoặc về trong ngày. Nhưng thông thường, rất ít khi gia đình nhà trai để đoàn nhà gái trở về trong ngày, bởi họ muốn tạo không gian đoàn tụ đầu năm.

“Đây là tập tục được đồng bào Cơ Tu duy trì nhằm mục đích thăm hỏi giữa cha mẹ với con gái hoặc anh/em trai với chị/em gái đã đi lấy chồng xa. Ngoài ra, còn tạo sự gắn kết bền chặt giữa hai nhà thông gia”, ông Bưng giải thích.

Hội làng ở vùng cao
Hội làng ở vùng cao

Trong dịp tổ chức hội “Tà moòi”, gia đình nhà trai thường đáp lễ bằng các tặng phẩm giá trị như: Thịt heo, chiêng ché, bánh kẹo, trà, chiếu… cho gia đình nhà gái. Tuy nhiên, nếu trường hợp hoàn cảnh nhà trai quá khó khăn, không lo nổi phần lễ tiếp đón chu đáo cho nhà gái thì nhà trai sẽ mang toàn bộ món quà của nhà gái đến để tặng lại cho nhà chị hoặc em gái của mình với mục đích “xin” hỗ trợ tiếp đón giúp cho nhà gái (người Cơ Tu gọi đó là víh ch’na). Còn nếu nhà trai có đủ điều kiện để đáp trả lễ nghĩa thì sau đó vẫn đem một phần quà này sang nhà chị hoặc em gái của mình để báo tin.

Hội “Tà moòi” là một nét đẹp văn hóa hiện vẫn được người Cơ Tu gìn giữ, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào vùng cao nơi miền đất Quảng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.