Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Bánh a quát của đồng bào vùng cao A Lưới

Đoàn Vũ Hào - 17:00, 23/12/2020

Gần cuối năm, khi lúa trên rẫy đã chín vàng, trời lập đông bắt đầu se lạnh cũng là lúc các buôn làng của đồng bào các dân tộc: Tà Ôi, Cơ Tu ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại rộn ràng đón Tết A za (còn gọi là Tết mừng cơm mới). Tết A za của người A Lưới không thể thiếu ẩm thực đặc trưng là bánh a quát (hay còn gọi là bánh sừng trâu).

Món bánh a quát của đồng bào vùng cao huyện A Lưới
Món bánh a quát của đồng bào vùng cao huyện A Lưới (Ảnh TL)

Trước khi gói bánh a quát , đàn ông, trai tráng trong bản cầm rựa lên rừng chặt về những tấm lá đót tươi. Lá đót không được già, vì lá quá già thì dễ rách mà lá non quá thì không tạo khuôn được. Khi gói, lá đót được quấn tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược hình chóp nón đó và bốc nếp bỏ vào cho đầy vun. Hai chiếc bánh a quát được bó thành một cặp, bánh lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ tượng trưng cho người con gái. Sau khi được buộc thành từng cặp, người ta đem ngâm bánh trong nước lã từ 3 - 5 giờ liền, rồi mới đem luộc từ 2 - 3 giờ, bánh sẽ mềm, dẻo, mau chín.

Đối với người Tà Ôi, bao đời nay, bánh a quát là một loại đặc sản ẩm thực truyền thống được chế biến từ nếp, tương tự như loại bánh chưng, bánh tét ở miền xuôi. Điểm khác biệt là bánh a quát nhỏ bé, khi xếp bên cạnh bánh tét hay bánh chưng, nhỏ hơn cả chiếc bánh ú. Bánh a quát cũng không có nhân đậu xanh, thịt mỡ, chỉ hoàn toàn nguyên chất là nếp. Bánh thơm ngon là do sử dụng loại nếp đặc biệt nhất - “nếp than”. Với người dân tộc Tà Ôi, nếp than tên gọi là cu char, là loại nếp quý nhất chỉ dùng trong các lễ hội quan trọng. Nó là nguyên liệu duy nhất tạo nên thứ bánh a quát đặc trưng này.

Hạt nếp cu char khi xay giã ra có màu đen, độ dẻo rất dính, hương thơm dịu ngọt. Người già bảo ban con cháu phải trân quý nếp cu char, vì nó là hạt ngọc của Jàng. Trong quá trình giã nếp, những người phụ nữ cố gắng giã thật đều và nhẹ tay để hạt nếp không bị vỡ vụn, sau đó họ còn sàng sảy tỉ mỉ để chọn lại.

 Bánh a quát được sử dụng nguyên liệu chính là loại nếp than hảo hạng
Bánh a quát được sử dụng nguyên liệu chính là loại nếp than hảo hạng (Ảnh TL)

Khi bày mâm cỗ, những chiếc bánh a quát được sắp xếp ở vị trí trung tâm. Trong các dịp bản làng hay gia đình tổ chức nghi lễ quan trọng như lễ mừng lúa mới, cúng giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả, tạ ơn trời đất hoặc lễ cưới xin. Những chiếc bánh a quát đẹp mắt, thơm ngon được cô dâu đem theo khi về nhà chồng để thể hiện tài nội trợ đảm đang. Người mẹ khi tới thăm gia đình con gái đã đi lấy chồng, cũng không quên đem cho những chiếc bánh này.

Ngày nay, bánh a quát đã trở thành một sản phẩm ẩm thực du lịch đặc trưng để gia chủ các Homestay đãi khách khi đến tham huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế).

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.