Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS

An Yên - 05:24, 08/12/2023

Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ phụ nữ vùng DTTS trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Trong đó, với mục tiêu quyết tâm cao nhất là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên.

Thành viên HTX sản xuất và dịch vụ Hoa ban xanh (bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) mang sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ
Thành viên HTX sản xuất và dịch vụ Hoa ban xanh (bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) mang sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ

Nhiều hoạt động thiết thực

Để việc thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và đảm bảo quyền cho phụ nữ sát đúng thực tế, có hiệu quả, hàng năm, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) ở cơ sở đã khảo sát nắm bắt tình hình đời sống của hội viên, phụ nữ. Việc khảo sát chú trọng đến các đối tượng là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ… Từ đó, có cơ sở để đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng của Hội. 

Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ, giúp đỡ; các cấp hội đã chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…

Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, các cấp hội đã tranh thủ khai thác các nguồn lực để hỗ trợ đồng bộ các giải pháp, như tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, tổ chức đào tạo nghề, thành lập các nhóm nghề, tổ liên kết, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ yếu thế có thể tham gia. 

Từ cách làm này, nhiều mô hình mới, hay đã được triển khai hiệu quả cho phụ nữ vùng DTTS như, Mô hình HTX/THT dệt thổ cẩm; mô hình du lịch cộng đồng; THT nấu rượu men lá; THT trồng cây dược liệu địa phương; mô hình nuôi lợn đen, gà đen, vịt bầu; Ngân hàng bò; mô hình trồng sắn, ngô cao sản… thu hút hàng nhiều hội viên ở cơ sở tham gia.

Hỗ trợ lợn giống cho chị em phụ nữ vùng biên
Hỗ trợ lợn giống cho chị em phụ nữ vùng biên

Cùng với những mô hình được triển khai, các cấp hội phụ nữ đã quan tâm công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình trong thoát nghèo và phát triển kinh tế giỏi trong vùng đồng bào DTTS, các gương phụ nữ DTTS chủ động xin viết đơn ra khỏi hộ nghèo… với mục đích kích cầu, khơi dậy ý chí vượt khó, nỗ lực vươn lên không cam chịu số phận, hoàn cảnh của mỗi chị em.

Nhìn từ huyện Con Cuông sẽ thấy rõ nỗ lực vươn lên hoàn cảnh của rất nhiều chị em phụ nữ. Trong 5 năm qua, huyện Con Cuông đã có hơn 200 hội viên phụ nữ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo… càng làm ngời sáng thêm phẩm chất, ý chí vượt khó của các chị em phụ nữ.

 Phó bí thư thường trực Huyện ủy Con Cuông Lô Văn Thao cho biết: Sau khi viết đơn thoát nghèo, nhiều chị em đã rất nỗ lực, cố gắng cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp đã bứt phá vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó không chỉ là tấm gương, mà còn sự ví dụ sinh động nhất để phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đi vào chiều sâu, thực chất, có hiệu quả.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, các cấp hội phụ nữ đã rất quan tâm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi hoàn thiện và hiện thực hóa cho các chị em. Nổi bật trong số các ý tưởng này, là “Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm” của HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban xanh huyện Kỳ Sơn đạt giải cuộc thi cấp Trung ương.

 Ngoài ra, còn có các ý tưởng khác, đạt giải cuộc thi cấp tỉnh như ý tưởng “HTX Dược liệu Tâm My” và ý tưởng “Tạo vườn ghen cây dược liệu” ở Quế Phong; “THT trồng ngô sinh khối” tại Tương Dương; các ý tưởng “Phát triển rượu men lá và nếp cẩm truyền thống”, ý tưởng “Phát triển du lịch cộng đồng”, ý tưởng “THT Mây tre đan” tại địa bàn huyện Con Cuông… Riêng ý tưởng "Tạo vườn gen cây dược liệu" của Quế Phong đạt giải cuộc thi cấp vùng do Trung ương tổ chức.

Thông qua việc triển khai hiệu quả các ý tưởng khởi nghiệp, đã giúp bà con, chị em phụ nữ vùng DTTS&MN dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm tạo nên các mô hình hay, hiệu quả để thu hút đông đảo bà con tham gia, góp phần cải thiện thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Trao mô hình sinh kế cho chị em phụ nữ xã biên giới Tri Lễ huyện Quế Phong
Trao mô hình sinh kế cho chị em phụ nữ xã biên giới Tri Lễ huyện Quế Phong

Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm

Thực hiện nội dung hỗ trợ ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản thuộc Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã kịp thời bám sát hướng dẫn của Trung ương Hội để ban hành Kế hoạch và tổ chức các hoạt động hỗ trợ.

Theo đó, đã có 3 mô hình “Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ và dịch vụ nông nghiệp xã Môn Sơn” tại huyện Con Cuông, “Tổ nhóm sinh kế chăn nuôi lợn” tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp và “Tổ nhóm sinh kế sản xuất gạo nếp cẩm Nga My” xã Nga My, huyện Tương Dương được hỗ trợ.

Bước đầu, qua các hoạt hỗ trợ, các chị em tham gia mô hình được tiếp cận các kiến thức về xây dựng thương hiệu, đăng ký tiêu chuẩn, xây dựng, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử... Thông qua đó, đã góp phần quan trọng trong xây dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ, nhóm phụ nữ để ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Điều thấy rõ nhất trong những năm qua là, các cấp hội phụ nữ đã khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay để hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, đặc biệt trong hoạt động ủy thác vốn vay ngân hàng chính sách xã hội. Hàng năm, hội LHPN các cấp chủ động khai thác các chương trình, dự án mới, duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng nông nghiệp… 

Tính đến nay, toàn tỉnh đang quản lý tổng nguồn vốn hơn 3.964 tỷ đồng cho 78.446 hộ chị em phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Trong đó, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội đến nay đã đạt hơn 3.904 tỷ đồng với 75.296 hộ vay vốn. Điều rất đáng mừng, có 2 đơn vị hội LHPN cấp huyện có tỷ lệ nợ quá hạn bằng 0, thì đều năm ở vùng đồng bào DTTS&MN là huyện Con Cuông và Quỳ Châu. 

Song song với việc hỗ trợ vay vốn các cấp hội chú trọng phối hợp với các ngành chức năng tập huấn nâng cao năng lực, kỹ thuật cho phụ nữ, giúp họ có nền tảng kiến thức vững vàng để áp dụng hiệu quả nguồn vốn vào công tác xóa nghèo.

Tổ hợp tác nấu rượu men lá ở xã Đôn Phục huyện Con Cuông do nhiều chị em phụ nữ làm chủ
Tổ hợp tác nấu rượu men lá ở xã Đôn Phục huyện Con Cuông do nhiều chị em phụ nữ làm chủ

Nâng cao quyền năng kinh tế 

Nằm trong các hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ vùng DTTS&MN nâng cao quyền năng kinh tế, các cấp Hội LHPN ở Nghệ An đã tích cực triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhận giúp đỡ hội viên phụ nữ các xã biên giới, nhất là các xã biên giới đặc biệt khó khăn, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

 Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả được thực hiện thường xuyên, liên tục đã tạo được nhiều chuyển biến về nhận thức, thay đổi tư duy và huy động được sự vào cuộc tích cực của hội viên phụ nữ toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Điều rất đáng quan tâm, thông qua các hoạt động hỗ trợ, chỉ tính riêng trong năm 2022 đã có 30.740 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo được Hội giúp đỡ, trong đó có hơn 1.100 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

 Theo lãnh đạo hội LHPN Nghệ An, việc tập trung tuyên tuyền, hỗ trợ nâng cao ý chí của phụ nữ tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, là hoạt động xuyên suốt của các cấp hội. 

Đặc biệt, triển khai Chương trình MTQG 1719, việc thực hiện dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” sẽ được các cấp hội chú trọng đẩy mạnh hơn nữa./.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.