Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nghệ An: Khẩn cấp di dời hàng ngàn người dân do mưa lũ

Thanh Hải - 14:45, 21/10/2020

Mưa lớn kéo dài kết hợp nước từ thượng nguồn sông suối đổ về khiến nhiều địa phương phải di dời khẩn cấp hàng ngàn người dân đến nơi an toàn. Ngoài việc tiếp tục phòng, chống những diễn biến bất thường của thời tiết, Nghệ An đang nỗ lực khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ gây ra.

Nước tràn qua đường, dìm bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong ngập nước từ chiều 18/10, người dân không thể qua lại được. (Ảnh CTV)
Nước tràn qua đường, dìm bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong ngập nước từ chiều 18/10, người dân không thể qua lại được. (Ảnh CTV)

Kỳ Sơn là huyện miền núi rẻo cao của Nghệ An có nguy cơ cao về xảy ra sạt trượt, lũ quét. Hằng năm, đã có hàng trăm ngàn m3 đất đá sạt trượt tại các tuyến giao thông, bản làng… gây nhiều hệ lụy, khó khăn cho cuộc sống bà con. Trong số đó, các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam… là những địa phương thường xuyên sạt trượt khi mưa lũ.

Ông Hạ Bá Thái, Chủ tịch UBND xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn cho biết: Xã có 2 bản Na Mỳ và Vàng Pao với 150 hộ, 743 khẩu chủ yếu đồng bào Mông và Khơ Mú phải di dời khẩn cấp do mưa lớn. Hiện, những hộ này đang ở tại nhà tạm do huyện bố trí từ trước.

Đến sáng ngày 19/10, toàn huyện Kỳ Sơn đã sơ tán khẩn cấp 4 bản tại các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam với tổng số 271 hộ và 1.386 khẩu đến nơi an toàn. Hiện, tất cả các lực lượng bộ đội, công an, dân quân… đã được huy động túc trực, chốt chặn tại các vị trí xung yếu nhất để ngăn chặn người dân qua khe suối, đi vào rừng... Tuy nhiên, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn lo lắng: Thời gian qua, trên địa bàn đã có mưa, nước sông và khe suối đã dâng, các ngọn núi đã ngấm no nước nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Chúng tôi lo nhất là ban đêm, lũ quét và sạt lở đất sẽ không kịp trở tay.

Tại các bản làng vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong… cũng đã lên phương án di dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt trượt, dễ ngập lụt và lũ quét.

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thông tin, huyện đã chỉ đạo các lực lượng, các địa phương túc trực 24/24 giờ; phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện bám nắm địa bàn để xử lý nhanh các vấn đề nảy sinh.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện nay, các địa phương miền núi cao ở Nghệ An đang vừa triển khai công tác phòng, chống, vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.