Qua đánh giá của tỉnh Nghệ An, tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 ở Nghệ An còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp. Tính đến thời điểm báo cáo mới đạt 20,5% tổng kế hoạch (vốn đầu tư đạt 43,7% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,4% kế hoạch). Trong khi đó, lộ trình phân bổ vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước, dẫn đến tình trạng thừa vốn (nhất là nguồn sự nghiệp). Do đó, một số nội dung nguồn vốn được cấp nhiều nhưng không có hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng; một số nội dung có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ lại ít.
Dẫn chứng rõ nhất của nguồn vốn sự nghiệp qua các năm như sau. Kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài là hơn 883 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 102 tỷ đồng, đạt 11,6%. Kế hoạch vốn năm 2024 được giao giao hơn 801 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 5 tỷ đồng, đạt 0,7%.
Lấy thêm ví dụ của năm 2023, nhiều địa phương ở Nghệ An đã phải chuyển trả từ hàng chục đến gần trăm tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp vì không thể giải ngân kịp thời do thiếu hướng dẫn cụ thể, phân bổ chậm, ít đối tượng thực hiện…
Trong bối cảnh ấy, một trong những chính sách rất được Nghệ An kỳ vọng để góp phần nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, chính là Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về cơ chế đặc thù thực hiện chương trình MTQG. Theo Nghị quyết này, các địa phương áp dụng, có thể chủ động bố trí vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp hợp lý, sát với nhu cầu thực tế để triển khai.
Để có cơ sở thực hiện Nghị quyết 111/2024/QH15, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 16/2024/NQ-HĐND ngày 29/8/2024 về thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, đã giao 2 huyện là Kỳ Sơn và Quế Phong, là hai huyện có tổng nguồn vốn phân bổ hàng năm tương đối lớn, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Hiện nay, các huyện đang triển khai rà soát để điểu chỉnh nguồn vốn sự nghiệp theo cơ chế đặc thù làm cơ sở thực hiện.
Đối với việc điều chuyển vốn sự nghiệp từ dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định; hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện cho các dự án thành phần khác của Chương trình, thì đã điều chỉnh giảm 592 tỷ đồng và điều chỉnh tăng hơn 661 tỷ đồng.
Theo đó, điều chỉnh giảm sẽ rời vào 9 đơn vị cấp huyện (Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hoà) và 4 đơn vị cấp tỉnh (Sở Công Thương, Ban Dân tộc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, BCH Bộ đội biên phòng); còn điều chỉnh tăng (bổ sung) gồm 8 đơn vị cấp huyện (Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thái Hoà) và 4 đơn vị cấp tỉnh (Sở Công Thương, Sở Du lịch, Trường Nội trú tỉnh, Trường PTDT Dân tộc nội trú số 2).
Thực tế thì, việc thực hiện điểm c1 khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội sẽ giúp cho các địa phương có thể chủ động bố trí vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp hợp lý, sát với nhu cầu thực tế.
Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện cơ chế đặc thù phân cấp, phân quyền trong thực hiện Chương trình MTQG ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các nội dung, Tiểu dự án hết đối tượng hoặc chưa có đủ cơ sở, cơ chế đảm bảo triển khai thực hiện; hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, tập trung chủ yếu ở Tiểu dự án 1 của Dự án 3; Tiểu dự án 3 của Dự án 5; Tiểu dự án 1 của Dự án 9.
Phần lớn các địa phương đề xuất điều chỉnh sang thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4. Thực tế này, làm dự án nhận tăng vốn điều chỉnh quá lớn so với kế hoạch của cả giai đoạn. Trong khi đó, việc không có cơ sở phân bổ hay mức phân bổ đối với đề xuất điều chỉnh tăng các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần và việc chi vốn sự nghiệp phải đảm bảo đúng các lĩnh vực chi vốn sự nghiệp, đã dẫn đến lúng túng khi thực hiện việc điều chuyển vốn theo cơ chế, chính sách đặc thù.
Nhiều lãnh đạo ở các cấp cơ sở tỉnh Nghệ An cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ, có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện giải ngân nguồn vốn sự nghiệp rất được tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phần quyền theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 111/2024/QH15; khắc phục khó khăn để giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn sớm cho các địa phương thực hiện; giao trách nhiệm cho các sở, ngành, đơn vị đồng hành, quan tâm, kịp thời tháo gỡ sớm những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.
Hiện nay tỉnh Nghệ An cũng đề xuất các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy trình, thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội cụ thể, chi tiết hơn để địa phương thực hiện thuận lợi, chính xác, đúng quy định.
Song song là các cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2024 (bao gồn cả vốn 2022, 2023 kéo dài) để tiếp tục thực hiện năm 2025 theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội./.