Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Nghệ An: Nhiều sáng kiến ứng dụng trong phòng, chống dịch Covid-19

Minh Thứ - 22:27, 13/04/2020

Thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những sáng kiến để phòng, chống dịch bệnh Covid–19. Những sáng kiến này không chỉ đem lại hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Tân Kỳ chế tạo nước diệt khuẩn.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Tân Kỳ chế tạo nước diệt khuẩn

Tự sản xuất nước sát khuẩn

Nước rửa tay sát khuẩn được xem là một giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh trong mùa dịch Covid-19. Sản phẩm cũng đang được nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An triển khai làm, qua đó đã tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 20 trường tự sản xuất nước rửa tay kháng khuẩn để phòng, chống dịch.

“Trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp thế này, sự chung sức của giáo viên và học sinh các trường trong việc sản xuất nước kháng khuẩn là rất đáng ghi nhận. Hy vọng phong trào này sẽ lan tỏa rộng rãi không chỉ ở các trường và ở các địa phương nữa nhằm giảm bớt chi phí, nhưng vẫn bảo đảm được tính vệ sinh phòng dịch”, ông Hoàn chia sẻ.

Được biết, Trường THPT Tân Kỳ (Huyện Tân Kỳ) là một trong những trường vừa thực hiện thành công pha chế nước sát khuẩn cho học sinh, với thành phần chính là Etanol 96 độ, Glixerol, Hidropeoxit 3% và hương liệu, nước cất. Hiện, Nhà trường bước đầu sản xuất được 50 chai để phục vụ cho giáo viên và học sinh của trường.

Thầy giáo Hoàng Đăng Cương, giáo viên bộ môn Hóa - Trường THPT Tân Kỳ cho biết: “Để pha chế nước sát khuẩn, chúng tôi lấy theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới và triển khai khá thuận lợi, vì đây đều là nguyên liệu dễ mua, dễ kiếm. Sản phẩm làm ra dễ sử dụng vì có mùi dịu nhẹ và đặc biệt là có tính sát khuẩn cao, không khác so với những sản phẩm bày bán trên thị trường.

Thiết bị đo thân nhiệt từ xa và buồng khử khuẩn

Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An là trung tâm điều trị cho Nhân dân khu vực phía Tây Bắc của tỉnh, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và chữa bệnh. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, ngoài thực hiện các biện pháp phòng và cách ly, Bệnh viện cũng đã giao Phòng Vật tư nghiên cứu, chế tạo thành công máy đo thân nhiệt từ xa để tránh lây bệnh cho đội ngũ y bác sĩ.

Ông Tăng Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, cho biết: Hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa được cấu thành từ 1 máy đo nhiệt độ cơ thể mini, 1 camera, 1 hệ thống nâng lên hạ xuống, 1 biến thế, 1 rơ le điện và nguồn điện đóng mở để điều khiển, 1 màn hình máy vi tính.

“Để đo thân nhiệt, người cần đo thân nhiệt đứng trước cần trục (nâng lên, hạ xuống) có gắn máy đo nhiệt mini. Nhân viên y tế ngồi từ xa sẽ kích hoạt máy đo thân nhiệt mini. Kết quả đo nhiệt độ cơ thể sẽ được Camera ghi lại và truyền về màn hình máy tính cho nhân viên y tế. Điều này, giữ được khoảng cách 2m an toàn cho người đo và người được đo”, ông Hà chia sẻ.

Không chỉ nhân viên, bác sĩ ngành y tế mà các ngành khoa học khác cũng vào cuộc một cách tích cực. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã thử nghiệm thành công buồng khử khuẩn toàn thân di động phục vụ các buổi hội họp quan trọng.

Theo đại diện Nhà trường, cơ chế hoạt động của buồng khử khuẩn này là sử dụng phương pháp gia nhiệt và phun nước Anolyte KT dạng sương mù, không gây ướt, tiết kiệm và giúp khử khuẩn toàn thân một cách dễ dàng. Khi có người đi vào, thiết bị cảm biến của buồng khử khuẩn sẽ kích hoạt phun sương tự động trong 15 giây mỗi lần, bảo đảm phủ kín toàn thân, giúp khử khuẩn tối đa, nhanh và an toàn cho người sử dụng.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.