Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Bùi Văn Lựng: Người mang mo Mường ra thế giới

Hiếu Anh - 16:31, 05/12/2020

Là 1 trong 8 người đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được phong Nghệ nhân Ưu tú (tháng 11/2015), đến nay, ông Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vẫn miệt mài mang những áng mo Mường quảng bá vang xa. Ông còn là một trong số ít Nghệ nhân được tham gia diễn xướng mo Mường tại Sommelo (Phần Lan).

Nghệ nhân Bùi Văn Lựng trong trang phục của thầy mo xứ Mường
Nghệ nhân Bùi Văn Lựng trong trang phục của thầy mo xứ Mường

Mo Lựng sinh năm 1957 trong dòng họ 9 đời làm thầy mo. Ông từng đi bộ đội và anh em trong nhà đều tham gia công tác xã hội, tuy nhiên ông được dòng họ chọn kế nghiệp làm thầy mo. Bởi nghề mo đến với ông như một cơ duyên.

Nâng niu chiếc “túi thiêng”, cho chúng tôi xem bộ lễ phục gồm 1 chiếc mũ màu xanh, áo lụa đen và chiếc quạt, ông Lựng chia sẻ: Người Mường không có chữ, nên đã sáng tạo ra mo để kể lại cho con cháu nghe về quá trình đẻ đất - đẻ nước, sự hình thành loài người với hàng chục ngàn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, áng mo, roóng mo. Từ nhỏ ông đã thích nghe mo, nhưng mãi đến năm 25 tuổi mới chính thức theo học nghề và năm 27 tuổi bắt đầu hành nghề mo.

Nội dung các áng mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của dân tộc. Qua đó, thể hiện sự cấu kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn ước mong một tương lai tốt đẹp...

Theo lời mo Lựng, vai trò của ông mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Đến tuổi già sức cạn, mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn sống lâu cho con cháu được nhờ. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, mo đóng vai trò là đại diện cho người chết tiễn hồn ma sang thế giới bên kia.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến, ông Mo đã đứng lên tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh chống quân xâm lược. Trong công cuộc xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, những ông mo có vai trò vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ
Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ

Trong suốt quá trình làm mo, ông Lựng luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, vai trò của ông mo; đồng thời là Người có uy tín đối với cộng đồng. Vì thế, Nghệ nhân Bùi Văn Lựng đã đem những áng mo Mường tới cầu phúc, khuyên răn bà con khắp mọi nơi trong từng nếp ăn ở, sinh hoạt văn hóa đời thường; trong các đám cưới, đám ma, làm nhà, cúng mụ, trong các lễ hội cộng đồng như, lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đánh cá (Tân Lạc); lễ hội Đình Cổi, lễ hội Đu Vôi, lễ hội hang Khụ Dúng (Lạc Sơn) đến các ngày lễ lớn của tỉnh như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình; lễ kỷ niệm ngày thành lập tỉnh; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc Tây Bắc...

Những áng mo Mường của ông còn được vang lên ở khắp các địa phương nơi có người Mường sinh sống, như các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy… của Hòa Bình, hay các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa. Đặc biệt, ông là một trong số ít nghệ nhân được tham gia diễn xướng mo Mường tại Sommelo (Phần Lan).

Với những nỗ lực của mình, ông Bùi Văn Lựng đã được nhận nhiều danh hiệu của UBND tỉnh Hòa Bình, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống, những phong tục tập tục tốt đẹp trong vùng đồng bào DTTS.

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Hiện có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm, xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo (tương đương như các chương) và hơn 44.000 câu thơ Mo. Tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch lập hồ sơ đệ trình UNESCO.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.