Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Đinh Thị Drinh - người truyền lửa đam mê thổ cẩm

Ngọc Thu - 15:42, 21/03/2022

Bà Đinh Thị Drinh (53 tuổi, tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, Gia Lai) là nghệ nhân dệt thổ cẩm có bàn tay khéo léo, sáng tạo hoa văn tinh tế để làm nên "sức sống" cho thổ cẩm Ba Na; đồng thời bà Drinh còn là người truyền lửa đam mê thổ cẩm cho thế hệ trẻ người Ba Na.


Bà Drinh đang se sợi chỉ từ cây bông để làm nguyên liệu vải dệt thổ cẩm
Bà Drinh đang se sợi chỉ từ cây bông để làm nguyên liệu vải dệt thổ cẩm

Ngôi làng Plei Nghe nằm giữa đại ngàn, hàng ngày vẫn vang tiếng khung cửi lách cách của bà Đinh Thị Drinh. Bên khung cửi, đôi bàn tay khéo léo của bà Drinh đang thoăn thoắt dệt lên từng hoa văn trên tấm vải. Đối với bà Drinh, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống bao đời để lại cần phải giữ gìn, tiếp nối mà còn là niềm đam mê, gắn bó như máu thịt của bà.

Hơn 40 năm qua, bằng bàn tay khéo léo, bà Drinh đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm độc đáo, bền đẹp. Bà Drinh nhớ lại, khi mới lên 5 tuổi, bà luôn ngồi bên cạnh khung cửi xem mẹ dệt thổ cẩm. Thấy cô con gái thích thổ cẩm từ bé, mẹ của Drinh bắt đầu dạy cho con từng công đoạn để dệt nên tấm thổ cẩm.

 Năm lên 13 tuổi, cô bé Drinh đã bắt đầu tự ngồi vào khung cửi để thỏa sức thể hiện sự sáng tạo qua từng đường nét, sắc màu thổ cẩm. Những sản phẩm thổ cẩm như: áo, váy, khăn… đều được bà dệt một cách tỉ mẩn, khéo léo và có sự khác biệt so với chị em khác. Đó là những sợi kim tuyến được lồng ghép, đan xếp thành những họa tiết phong cảnh khác nhau như núi rừng, nhà rông, chim muông…

Dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng tự hào, nét đẹp, bản sắc văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Ba Na tại Gia Lai
Dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng tự hào, nét đẹp, bản sắc văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Ba Na tại Gia Lai

Bà Drinh kể: “Từ hồi còn nhỏ, mình đã bị thổ cẩm cuốn hút nên mình hay theo mẹ đi vào rừng tìm các nguyên liệu để làm thổ cẩm. Mỗi khi mẹ và các bà, các chị dệt vải, mình lại đến bên cạnh để học cách dệt những hoa văn khó. Sau thời gian đi rẫy, cứ rảnh lúc nào  là mình lại ngồi vào khung cửi sáng tạo ra các họa tiết, hoa văn trên vải thổ cẩm. Đối với người Ba Na, dệt thổ cẩm cũng là thước đo khéo léo của mỗi người phụ nữ”.

Những sản phẩm thổ cẩm làm ra từ sợi tự nhiên truyền thống tuy dày, nhưng mát và thoáng khí, vì vậy mỗi bộ đồ thổ cẩm có giá khá cao, khoảng 3 triệu đồng/bộ. Còn bộ đồ dệt từ sợi công nghiệp thì rẻ hơn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/bộ. Mỗi năm, bà Drinh cũng bán được khoảng 10 bộ đồ thổ cẩm cùng các sản phẩm thổ cẩm khác như váy, túi xách...

Không chỉ có đôi bàn tay khéo léo dệt nên những sản phẩm thổ cẩm bền, đẹp, bà Drinh còn chịu khó trồng cây bông để lấy sợi, trồng các loại cây lấy rễ, lấy hoa làm thuốc nhuộm màu.

 Trước nhịp sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm cũng có phần mai một do thị trường tiêu thụ hạn chế, lo thất truyền nghề, bà Drinh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề truyền thống cho lớp trẻ. Từ năm 2005 đến nay, bà Drinh đã truyền dạy nghề cho hơn 500 học viên. 

Bà cũng khuyến khích các chị em trong làng phát huy tài năng, bằng cách tham gia tổ dệt thổ cẩm truyền thống, các hoạt động do địa phương tổ chức như: hội thao diễn nghề dệt truyền thống, hội thi văn hóa, văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc...

Bà Đinh Thị Dring đang truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ trong làng
Bà Đinh Thị Dring đang truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ trong làng

Nói về bà Drinh, chị Đinh Thị Hếp, làng Broch Siêu, xã An Trung, huyện Kông Chro chia sẻ: Bà Drinh dệt thổ cẩm đẹp lắm. Bà đã truyền nghề và khơi dậy niềm yêu thích các hoa văn thổ cẩm, nét đẹp truyền thống của dân tộc cho lớp trẻ như mình. Có nghề dệt trong tay, mình tự tin làm ra những sản phẩm thổ cẩm phục vụ người thân và để bán, có thêm chút thu nhập. Thông qua bà Drinh truyền dạy, mình hiểu thêm dệt thổ cẩm chính là giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na để truyền lại cho con cháu. Mình rất tự hào về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Còn ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro thì nhận xét: Nghệ nhân Đinh Thị Drinh là người rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Bà Drinh đã làm ra rất nhiều sản phẩm thổ cẩm bán ra thị trường, cung cấp cho các trường dân tộc nội trú, giúp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, sản phẩm áo và váy của bà được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

 Hiện nay, UBND huyện Kông Chro cũng đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm để các nghệ nhân sống được với nghề và giữ nghề truyền thống. Huyện cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân theo từng tháng… Từ đó, khuyến khích người dân vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Khai mạc Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc lần thứ V

Ngọc Hồi (Kon Tum): Khai mạc Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc lần thứ V

Tối ngày 22/4, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) tổ chức Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc lần thứ V, năm 2024. Đây là sự kiện văn hóa được tổ chức định kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc trong huyện.