Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Lương Chí Bằng và các tác phẩm tranh kính độc đáo

Lương Định - 15:24, 07/02/2023

Từ thập niên 1960 ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn (thuộc Quận 5 và Quận 6, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), nghệ nhân Lương Chí Bằng đã nổi tiếng với nghề vẽ tranh kính (kiếng), đặc biệt là vẽ tranh kính theo những tuồng tích xưa, để trang trí cho những xe mì, hủ tiếu một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hoa.

Nghệ nhân Lương Chí Bằng bên tác phẩm tranh kính của mình
Nghệ nhân Lương Chí Bằng bên tác phẩm tranh kính của mình

Nghề cha truyền, con nối

Tại vùng Chợ Lớn, hầu như ai cũng biết nghệ nhân Lương Chí Bằng (SN 1945) chủ tiệm vẽ tranh kính Tân Huê nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình có nghề vẽ tranh kính gia truyền. Từ năm 12 tuổi, Lương Chí Bằng đã được cha là nghệ nhân Lương Kiến Dân truyền cho nghề vẽ tranh kính. Lúc mới học nghề, mỗi lần thực hiện tô, vẽ các bức tranh khổ lớn, cậu bé Lương Chí Bằng thường phải bắc ghế đứng lên. Tranh của cha ông chủ yếu dùng bút lông để vẽ nét, chứ không can theo mẫu rập khuôn trên giấy nên nét vẽ rất uyển chuyển, tinh tế, sinh động và đẹp hơn tranh của những tiệm khác.

Theo nghệ nhân Lương Chí Bằng, dòng tranh kính của các nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn có đặc trưng rất riêng, mang đậm dấu ấn hội họa Trung Hoa. Đó là thường dùng gam màu đỏ làm chủ đạo, dán giấy quỳ vàng, quỳ bạc, đồng thời áp dụng kỹ thuật tráng thuỷ để làm cho bức tranh ánh lên sắc sáng bạc, tăng thêm phần lung linh huyền ảo của bức tranh. Để hoàn thành một bức tranh với đường nét màu sắc đẹp, hài hòa, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề và trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỷ, công phu.

Một trong những đặc điểm của tranh kính so với các dòng tranh dân gian khác là quá trình thực hiện đều vẽ từ phía sau mặt kính. Nghĩa là mọi chi tiết dù nhỏ nhất trong bức tranh đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường. Những chi tiết nào được thực hiện sau thì bắt buộc người nghệ nhân phải vẽ trước.

Tranh Tào Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao
Tranh Tào Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao

Mỗi tác phẩm là một sự sáng tạo

Là người có năng khiếu, đam mê vẽ, lại được người cha truyền dạy một cách rất bài bản, nghiêm khắc nên nghệ nhân Lương Chí Bằng nhanh chóng trưởng thành và nối nghiệp cha, tiếp tục phát triển tiệm tranh kính Tân Huê ngày càng thêm vang danh.

Trong quá trình phát triển nghề vẽ tranh kính, nghệ nhân Lương Chí Bằng luôn tiếp nhận những kỹ thuật mới nên có nhiều cải tiến giúp cho nghệ thuật tạo hình được đa dạng hơn từ hình thức tới nội dung đề tài. Ngoài loại tranh thờ như Phật Thích Ca Mâu Ni theo kiểu thức pháp phục của Phật giáo tiểu thừa, hoặc Đức Phật ngồi thiền trên đài sen, với hậu cảnh là cây bồ đề. Nghệ nhân Lương Chí Bằng cũng vẽ nhiều loại tranh thờ đặc trưng cho cộng đồng người Hoa như tranh Nhị phủ Bổn Đầu Công, Huê Quang Đại Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế…

Tranh kính chủ đề Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu
Tranh kính chủ đề Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu

Một đề tài nữa cũng được tiệm tranh kính Tân Huê thực hiện nhiều do nhu cầu thờ cúng của khách hàng người Hoa ở Chợ Lớn, đó là dòng tranh phong thủy, tử vi trấn mạch treo trước cửa nhà để trừ diệt ma quỷ, bảo vệ sư an yên cho gia chủ. Đây là loại tranh mang yếu tố tâm linh huyền thoại, vẽ Tử Vi là một đồng tử cưỡi trên một con sư tử oai linh, một tay cầm đao, một tay cầm, bát quái. Ngoài ra tranh Táo Quân cũng là đề tài được nhiều người Hoa và cả người Việt ưa chuộng.

Đặc biệt, tiệm tranh kính Tân Huê của nghệ nhân Lương Chí Cường vẫn chủ yếu chuyên vẽ tranh kính trang trí cho các xe mì, hủ tiếu. Ngoài các mẫu tranh kính xe mì, hủ tiếu do thân phụ là nghệ nhân Lương Kiến Dân sáng tác như tranh vẽ tích truyện trong những tập truyện lịch sử do Trung Quốc, Hồng Kông xuất bản, ông Lương Chí Cường đã công phu sáng tạo nên nhiều mẫu tranh mới, hấp dẫn hơn, thẩm mỹ hơn.

Tranh kính chủ đề Trương Phi nổi giận đả Đốc Bưu
Tranh kính chủ đề Trương Phi nổi giận đả Đốc Bưu

Nghệ nhân Lương Chí Bằng cho biết, tùy theo khách hàng đặt vẽ tranh kính xe lớn hay xe nhỏ, cũng như ý thích vẽ bộ tranh 2 tầng hay 3 tầng mà ông thực hiện khác nhau. Bộ tranh kính xe mì, hủ tiếu thông thường gồm: Biển hiệu tiệm mì, hủ tiếu đặt ở mặt trước, chính giữa xe; hai bên tấm tranh kiếng biển hiệu thường là hai câu đối với nội dung ca ngợi danh tiếng và khẩu vị của tiệm mì, hủ tiếu của gia chủ, cũng như chúc tụng buôn may bán đắt, danh tiếng vang xa. Tiếp theo bên hai bên câu đối là tranh vẽ tích truyện, cũng tùy theo sở thích của gia chủ mà xe mì, hủ tiếu có hai hoặc ba tầng vẽ tích truyện.

Những bức tranh kính vẽ cho các xe mì, hủ tiếu của nghệ nhân Lương Chí Bằng nổi tiếng nhất, phổ biến nhất, được nhiều khách đặt hàng nhất chính là vẽ các nhân vật, hoặc các trận thư hùng quyết liệt trong Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) như: “Trang tam hào kiệt kết nghĩa huynh đệ”, “Chu Du hỏa thiêu Xích Bích”, “Trương Phi nổi giận đả Đốc Bưu”, “Tào Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao”, “Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu”…

Thường trên cùng một xe mì, hủ tiếu, nghệ nhân chỉ vẽ thuần một tích truyện, trừ khi tranh bị hỏng, vỡ, có thể được thay thế bằng những tích truyện khác. Nhưng một chiếc xe mì, hủ tiếu muốn đẹp, hấp dẫn và hoàn hảo thì rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người đóng xe và người vẽ tranh trang trí, nên họ trở thành đồng tác giả của xe mì, hủ tiếu. Chính vì thế ngày nay, các xe mì, hủ tiếu ở khu Chợ Lớn thường có các câu chữ đề danh như: "Tăng Phú tạo xa, Tân Huê chế phiến" (nghĩa là tiệm Tăng Phú đóng xe, tiệm Tân Huê vẽ tranh kính).

Tranh kính chủ đề Trang tam hào kiệt kết nghĩa huynh đệ.
Tranh kính chủ đề Trang tam hào kiệt kết nghĩa huynh đệ.

Hiện, có rất nhiều xe mì, hủ tiếu của người Hoa lâu năm ở Sài Gòn – Chợ Lớn còn lưu dấu những tuồng tích cùng nét vẽ nổi tiếng một thời của hai cha con nghệ nhân Lương Kiến Dân và Lương Chí Bằng.

Tranh kính xuất hiện ở Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 20, do những người Hoa di cư từ Trung Quốc sang hành nghề và truyền nghề. Đây là loại hình mỹ thuật được các nghệ nhân thực hiện trên kính rất độc đáo.

Ban đầu tranh kính chủ yếu được các nghệ nhân vẽ để đáp ứng nhu cầu thờ phụng trong đời sống văn hóa tâm linh của cả người Hoa và người Việt. Một thời gian sau, các nghệ nhân người Hoa thể nghiệm viết trên mặt kính những bức đại tự, hoặc thư pháp bằng chữ Hán, được phủ thêm nhũ vàng, phục vụ nhu cầu cho khách hàng mua để tặng nhau vào dịp khai trương cửa tiệm, cơ sở sản xuất, mừng tân gia, đám hỏi, đám cưới, chúc thọ nên bán rất chạy. Đến những năm 1930 của thế kỷ 20, khi các nghệ nhân người Hoa tìm tòi, thực hiện thành công các tác phẩm tranh trên mặt kính, thì từ đó nghề vẽ tranh kính mới thực sự thịnh hành và phát triển mạnh ở Chợ Lớn nói riêng, đất phương Nam nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở Gia Lai vẫn gìn giữ được không gian giọt nước mát ngọt cho buôn làng. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi dân làng cùng gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng.