Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến: In dấu chân trên vạn dặm rừng Khánh Sơn

Ngọc Ánh và CTV - 06:57, 12/11/2023

Từ khi Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến, dân tộc Raglay ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn lại bận rộn, tất bật hơn với những buổi biểu diễn, ghi hình, truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho bà con Raglay trong và ngoài huyện. Nhưng với ông, được trao truyền, lan tỏa di sản văn hóa của dân tộc ra cộng đồng là niềm hạnh phúc nhất của người làm công tác văn hóa.

Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến (áo đen) tại lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ mã la của dân tộc Raglay được tổ chức tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến (áo đen) tại lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ mã la của dân tộc Raglay được tổ chức tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Mới đây (tháng 7/2023), Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến được Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Khánh Hòa mời tham gia đứng lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la cho 30 học viên dân tộc Raglay thuộc xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh. Đây là lớp học do Sở VH&TT phối hợp với UBND TP. Cam Ranh tổ chức theo nội dung của Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 năm 2023. Học viên tham gia lớp học có đủ các thành phần như: nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín và đồng bào DTTS, cán bộ, công chức ngành Văn hóa - Thông tin, giáo viên các trường học. Ngoài ra, lớp học còn có cả học sinh người dân tộc Raglai có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, thành viên đội văn nghệ của xã tham gia lớp học. 

Trong thời gian 1 tháng, Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến đã truyền dạy cho học viên những kiến thức cơ bản của nhạc cụ mã la, cách trình diễn nhạc cụ mã la trong từng hoàn cảnh, lễ hội khác nhau. Từ lớp học này để làm tiền đề tiến tới thành lập đội đánh mã la ở xã Cam Phước Đông, đưa nhạc cụ mã la phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào và tạo thành sản phẩm du lịch trong tương lai gần.

Các cán bộ, nghệ nhân, học viên tại lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ mã la của dân tộc Raglay tổ chức tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Các cán bộ, nghệ nhân, học viên tại lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ mã la của dân tộc Raglay tổ chức tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động văn hóa mà Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến trực tiếp tham gia. Hơn 30 năm làm cán bộ văn hóa, nghỉ hưu cách đây vài năm, ông vẫn tiếp tục lăn lộn khắp các cánh rừng, con suối, các bản làng vùng cao Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglay. Say mê tìm tòi, “rút ruột rút gan” với văn hóa dân tộc, ông cùng “người bạn đồng hành” là chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi vượt suối băng rừng đến từng bản làng của quê hương để ghi lại những câu hát sử thi. Ông mải mê lên nương, vào rừng đi tìm gặp các nghệ nhân để thâu băng các làn điệu dân ca, đến lớp dạy chữ viết Raglay - truyền dạy sử thi; say mê đàn chapi, nói chuyện về văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào… 

Ông như con thoi đi lại, ngụp lặn trong dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện đại mà chưa bao giờ cảm thấy mệt nhọc. “Nghỉ hưu mấy năm nay rồi, nhưng mình vẫn là Phó Bí thư chi bộ của thôn. Mình vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa của huyện, vẫn làm công việc sưu tầm, bảo tồn văn hóa cho đến khi nào không thể đi được nữa”, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến bộc bạch.

Rồi những ký ức thời trai trẻ như những thước phim quay chậm trở lại trong trí nhớ của ông: “Mình đã từng làm giáo viên, nhưng cái máu văn hóa nó có sẵn trong con người mình rồi. Mình đi dạy nhưng lúc nào cũng thích tham gia các hoạt động văn hóa. Đầu những năm 1980, mình được mời đi cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa tham gia sưu tầm, bảo tồn văn hóa Raglay. Lãnh đạo huyện thấy mình có năng khiếu, đam mê văn hóa nên điều mình sang công tác tại Phòng Văn hóa huyện Khánh Sơn. Thế rồi cái nghiệp văn hóa nó cuốn mình vào từ năm 1989 tới bây giờ”.

Gần cả cuộc đời, Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến gắn bó với công tác sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglay (Ảnh TL)
Gần cả cuộc đời, Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến gắn bó với công tác sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglay (Ảnh TL)

Được đặt vào đúng vị trí, làm việc đúng sở trường, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến như được bung ra đôi cánh tự do để thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo. Ông cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Thế San và Trần Vũ… dày công nghiên cứu và hoàn thành bộ chữ viết - mẫu tự latinh tiếng Raglay. Những năm sau đó, ông cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu liên quan đến chữ viết của đồng bào Raglai như: “Chữ viết Raglai với việc bảo tồn phát triển văn hóa dân gian Raglay”; “Thành ngữ, tục ngữ Raglay”; “Tri thức bản địa của người Raglay” ở Khánh Hòa; “Khánh Hòa - diện mạo một vùng đất” (10 tập); “Tín ngưỡng người Raglay ở Khánh Hòa”; “Yếu tố trầm tích trong văn hóa của người Raglay ở Khánh Hòa”. Đặc biệt là 3 bộ sử thi đã được ông dịch ra song ngữ Raglay - Việt, bộ dày nhất tới hơn 3.000 trang…

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến giải thích: Những câu chuyện trong sử thi được truyền từ đời này sang đời khác bằng nhiều điệu hát ngôn ngữ cổ. Chẳng hạn, điệu Siri dìu dặt kéo dài, là lời ru con của các bà, các mẹ Raglay trên rẫy trỉa bắp, trồng mì, hái rau rừng; điêu Majêng ngân nga là lời tâm tình của người mẹ với con thơ khi ru bé ngủ; điêu Adoh nhanh, và rôn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt công đồng, những mùa lễ hội.. Người Raglay bình thường khi nghe ông bà mình hát cũng không hiểu, không thể dịch nghĩa. 

Để giải nghĩa được những câu hát cổ đã ghi âm trong những cuốn băng cassette, ông từng có nhiều đêm trắng ngồi bên bếp lửa nghiền ngẫm từng đoạn, nghe đi nghe lại từng câu sử thi. Sau đó ghi lại lời hát trên văn bản rồi dịch ra tiếng Việt. Đó là cả một sự kỳ công! Rồi khi đứng lớp truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ, ông lại chọn những đoạn nào sống động, trích dẫn và soạn thành từng tập nhỏ để tập hát cho các cháu dễ tiếp thu.

Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến
Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến dành gần trọn đời người để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglay

Nhận xét về Nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến, ông Cao Tiến Dũng Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện huyện Khánh Sơn thừa nhận: “Người Raglay gọi ông là “pho văn hóa sống” của dân tộc mình là rất đúng. Đến thăm nhà ông, trên bàn làm việc lúc nào cũng có những bản thảo, những cuộn băng cassette. Không chỉ am hiểu sử thi, ông còn có khả năng phiêu theo tiếng đàn chapi một cách điệu nghệ. Ông giỏi đánh mã la, tinh thông hầu như mọi làn điệu từ các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Những phong tục tập quán, luật tục, tín ngưỡng... của người Raglay được ông nghiên cứu tỉ mẩn. Nguồn gốc, hình thức, ý nghĩa của những buổi lễ trong năm của người Raglay như: Lễ mừng lúa mới, bỏ mả, phong tục cưới hỏi xưa kia... ông đều tường tận. Ông có thể trò chuyện cả ngày về hầu hết mọi vấn đề liên quan đến văn hóa của dân tộc mình”.

Với những đóng góp to lớn cho công tác gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, hầu như năm nào, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến cũng nhận được giải thưởng, Bằng khen từ Trung ương đến địa phương trao tặng. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Năm 2023 này, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Tin cùng chuyên mục
Các đội ghe Ngo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng cho ngày hội lớn

Các đội ghe Ngo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng cho ngày hội lớn

Mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, các đội ghe Ngo nam và nữ đến tranh tài đã sẵn sàng cho ngày hội lớn, quyết đạt thành tích trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.