Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nghề nuôi cánh kiến đỏ ở Mường Lát

Quỳnh Trâm - 15:20, 01/04/2021

Nghề nuôi cánh kiến đỏ vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, tại huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), hàng chục hộ đồng bào DTTS đã tham gia nuôi cánh kiến đỏ. Nhờ đó mà bà con có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và thoát nghèo.

Ông Lương Thanh Bình (khu 3, thị trấn Mường Lát) được doanh nghiệp ủy quyền thu mua và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cánh kiến đỏ cho người dân
Ông Lương Thanh Bình (khu 3, thị trấn Mường Lát) được doanh nghiệp ủy quyền thu mua và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cánh kiến đỏ cho người dân

Thu nhập cao từ cánh kiến đỏ

Theo các hộ dân, cánh kiến đỏ sống trên nhiều loại cây, như đậu thiều, cỏ khiết, cọ phèn… tuy nhiên, ở huyện Mường Lát, đồng bào chủ yếu trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ. Cây đậu thiều cao từ 2 - 3 m, thân và cành nhỏ, hoa màu vàng. Khi cây lớn đến ngang người, thì bà con bắt đầu nhân thả cánh kiến đỏ lên các cành hoặc thân cây. Sau đó, cánh kiến đỏ tự sinh sôi, lan rộng và bám khắp các cành cây thành những mảng màu trắng. Mùa thả cánh kiến đỏ hằng năm, bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 10 thì thu hoạch; sau đó lại thả và đến tháng 4 thu hoạch.  Cứ như thế, mỗi năm người dân thu hoạch 2 vụ cánh kiến đỏ. 

Bà Hà Thị Thặn, dân tộc Thái ở bản Lát, xã Tam Chung cho biết: Trước đây, gia đình bà trồng sắn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau được chính quyền địa phương giới thiệu, gia đình bà trồng đậu thiều rồi mua giống cánh kiến đỏ về thả. Hiện gia đình đã dành cả quả đồi cạnh nhà, rộng gần 1 ha để trồng cây đậu thiều nuôi loài côn trùng này.

“Nuôi cánh kiến đỏ cho thu nhập hơn cả trồng ngô, sắn, giá bán lại ổn định, nên kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn. Hơn nữa, nuôi cánh kiến đỏ không khó, chỉ trồng cây đậu cho lớn rồi thả chúng vào thôi. Đến tháng 10 chúng tôi đi bóc lấy nhựa cánh kiến, sau đó sẽ có người đến tận nhà thu mua”, bà Thặn chia sẻ.

Tương tự bà Thặn, thấy được hiệu quả kinh tế của cánh kiến đỏ, nhiều gia đình cũng bỏ trồng các loại cây trồng năng suất thấp, chuyển qua trồng cây đậu thiều để thả cánh kiến đỏ, như gia đình ông Hà Văn Ủy, ở thị trấn Mường Lát. Hai năm nay, gia đình ông đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa nương, đất vườn (khoảng 1 ha) để trồng cây đậu thiều nuôi cánh kiến đỏ. 

Theo tính toán của ông Thiều, trung bình 1 sào (500 m2) đất rừng nuôi cánh kiến đỏ, mỗi năm trừ chi phí cũng thu được 10 - 13 triệu đồng.

Nghề nuôi cánh kiến đỏ giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống
Nghề nuôi cánh kiến đỏ giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống

Hướng thoát nghèo ở Mường Lát

Là người được doanh nghiệp ủy quyền thu mua, và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cánh kiến đỏ cho người dân, ông Lương Thanh Bình ở thị trấn Mường Lát cho hay, giữa doanh nghiệp thu mua và người dân ký hợp đồng hàng năm để bao tiêu sản phẩm, nên việc tiêu thụ ổn định. Nuôi cánh kiến đỏ rất dễ, lại không tốn chi phí đầu tư, nhưng hiện tại ở  nhiều nơi, bà con  chưa tin tưởng, chưa làm theo vì sợ làm không bán được.

Được biết, nghề nuôi cánh kiến đỏ đã xuất hiện ở huyện Mường Lát từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ số ít hộ nuôi, sau đó, nhận thấy giá trị của cánh kiến đỏ có thể giúp người dân vùng cao thoát nghèo, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện dự án nhằm nhân rộng diện tích trồng và số hộ nuôi cánh kiến đỏ.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Cho đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 55 hộ nuôi cánh kiến đỏ, tập trung ở các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu, thị trấn Mường Lát... Nhờ nuôi cánh kiến đỏ, nhiều hộ dân có thêm thu nhập, thoát nghèo.

Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh ở các cây chủ. Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự huỷ thân thiện với môi trường.



Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...