Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

“Ngôi sao xanh” trên đỉnh núi

Tiêu Dao - 08:27, 03/05/2023

Cuộc đời đầy những khốn khó và thử thách, nhưng người phụ nữ Tà Ôi ấy đã nỗ lực vượt qua để làm công tác dân tộc và mong cho người dân được sung túc, đủ đầy hơn. Bà là Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) - người phụ nữ Tà Ôi đầu tiên có học vị Tiến sĩ, từng làm Bí thư Huyện ủy A Lưới, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế và bây giờ là Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chị Kê Sửu (người ngồi sau xe máy đi trước) trên đường vào bản vùng cao.
Bà Kê Sửu (người ngồi sau xe máy đi trước) trên đường vào bản vùng cao

Tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Tà Ôi

Bà Kê Sửu (tên gọi theo tiếng Tà Ôi) nói chuyện với chúng tôi bằng chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, không pha phương ngữ, dù bà sinh ra, lớn lên trong ngôi làng Tà Ôi ở vùng núi xa xôi phía Tây Thừa Thiên Huế. Là nhà nghiên cứu đã viết hàng chục cuốn sách về văn hóa dân gian của người Bru Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu hay Pa Hy (nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi) bà bảo, chuyện học của bà là nỗ lực của gần cả một đời người.

Ký ức của bà chảy tuôn như dòng nước mùa mưa nơi triền Tây đất A Ngo vậy. Ngày bà sinh ra trong hang tối trên đỉnh A Ngo và chập chững lớn, chiến tranh vẫn còn. Cha bà hoạt động cách mạng nằm vùng ở vùng cao A Lưới. Bà lớn lên trên lưng mẹ cùng những câu chuyện về người cha xa nhà biền biệt, những câu chuyện về người Tà Ôi thấm đẫm chất sử thi, về những điệu hát ru và tấm thổ cẩm. Bà có lẽ là một trong số ít người dám vượt qua những hủ tục, đi tìm ánh sáng với con chữ Bác Hồ, rồi xuống núi để học cao hơn trong nỗi ám ảnh về người mẹ của mình.

Mẹ của bà, bà Kê Doaip có một cuộc sống không nhiều vui sướng vì những hủ tục trước đó. Và Kê Sửu như ngôi sao xanh trên đỉnh núi của người Tà Ôi dám bước qua muôn vàn khó khăn để chứng minh rằng, phụ nữ Tà Ôi không chỉ biết lấy chồng, đẻ con mà có thể làm được rất nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước.

Bà kể về chuyện học, về những nỗ lực của mình, 9 tuổi mới vào lớp 1, để rồi từ đó là một chuỗi dài đằng đẵng những thử thách thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Hết cấp I, rồi cấp II và cấp III, bà học sư phạm để trở thành giáo viên dạy Ngữ Văn trên quê hương mình. Nhưng khát khao được khám phá những tầng sâu văn hóa của dân tộc mình đã thôi thúc Kê Sửu dấn bước, làm một cuộc “cách mạng” nữa, khi khăn gói xuống phố để học cao học, rồi sau đó là nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Tháng 3/2009, người Tà Ôi đã vô cùng tự hào khi có đứa con đầu tiên của dân tộc mình nhận tấm bằng Tiến sĩ lúc đang ở độ tuổi 36. Khi ấy, Kê Sửu đang là Chánh Văn phòng Huyện ủy A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Ngoài tiếng Tà Ôi, bà tự học thêm tiếng Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hy... Bà không chỉ chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ, mà từ ngôn ngữ bà thấy được những mạch nguồn văn hóa của các DTTS khắp vùng A Lưới. Dấu chân của người phụ nữ Tà Ôi này đã in trên nhiều bản làng của núi rừng Trường Sơn, để nghe già làng kể chuyện, tập hợp những câu dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi của người Tà Ôi.

Từ luận án Tiến sĩ, cho đến hàng chục đề tài nghiên cứu, hàng chục cuốn sách, hàng trăm câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm câu chuyện cổ được bà sưu tầm, sáng tác, nghiên cứu, đặc biệt là bản thảo và băng ghi âm về sử thi A Chất... đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng DTTS ở vùng cao Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

“Muốn đồng bào thay đổi thì mình phải thay đổi trước”

Chị Kê Sửu trong buổi phỏng vấn của kênh Truyền hình Quốc hội.
Bà Kê Sửu trong buổi phỏng vấn của kênh Truyền hình Quốc hội

Là người con của đồng bào Tà Ôi, nỗi khát khao, mong muốn giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cứ thôi thúc bà, khiến bà đau đáu ngày đêm. Làm sao cho đồng bào mình trên núi sớm an cư, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống? Làm sao cho lũ trẻ được đến trường học tập đầy đủ? Làm sao để những phụ nữ không còn bị ràng buộc vào những hủ tục như mẹ bà trước đây?... Những khao khát ấy khiến bà phải hành động bằng những việc làm cụ thể.

Những năm tháng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy A Lưới rồi Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, bước chân bà cứ mải miết đi về hướng núi. Bà kể, có nhiều đêm mưa gió, bão bùng, bà phải đi vào từng bản làng để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện công tác dân tộc. Vì bà biết ở đó bà con cần bà, cần chính quyền đến hỗ trợ, giúp đỡ. Những lúc tuyên truyền vận động, có khi bà gặp riêng người vợ để nói chuyện, rồi gặp riêng người chồng để tâm tình, để rồi tất cả cùng chuyển ý mà tin theo.

Bằng vốn ngôn ngữ đa dạng của mình, người làng tin bà, nghe bà, cùng làm theo bà. Cứ thế, bà thuận lợi hơn trong công tác dân tộc của mình. “Tôi cố gắng làm tất cả để hướng về đồng bào mình, để đồng bào trên núi sớm an cư, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; cho lũ trẻ được đến trường, cho những phụ nữ không còn bị ràng buộc vào những hủ tục; cho những con đường sớm nối đến những bản xa; cho người dân thoát nghèo, phấn đấu làm giàu trên quê hương mình!”, Kê Sửu rưng rưng với nỗi niềm như thế, khi kể chuyện làm công tác dân tộc.

Mười mấy năm với công tác dân tộc ở nhiều vị trí khác nhau trong bộ máy chính quyền huyện A Lưới và Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Kê Sửu đã giúp không ít bản làng ở vùng cao của tỉnh vươn lên, xóa bỏ hủ tục. Bà chia sẻ, để thay đổi nhận thức là một hành trình không hề đơn giản. Muốn đồng bào thay đổi thì mình phải thay đổi trước và chỉ bằng con đường học vấn. Muốn cộng đồng mình tươi sáng hơn thì phải lao vào tìm hiểu thực tế và nguyên nhân cực khổ như thế nào để cùng đồng bào tìm cách thay đổi.

Minh chứng điều này, bà Kê Sửu nhận định, vùng đồng bào DTTS ở Thừa Thiên Huế nói chung đã đi lên trong gian khó sau chiến tranh. Đồng bào DTTS đã đổi đời theo sự đi lên của đất nước. Con em người Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy… trước đây chỉ biết lên nương, đi rẫy, đi rừng, nay đã được học hành để vươn lên, làm chủ cuộc sống. Những cử nhân, kỹ sư nông học là người Pa Cô, Tà Ôi… cũng không còn hiếm.

Bây giờ đã là Phó đoàn chuyên trách của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bà Kê Sửu vẫn có nhiều tâm tư với công tác dân tộc, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Bà cho rằng, ưu tiên lớn nhất của người làm công tác dân tộc là làm sao đưa đời sống bà con vùng cao thoát đói nghèo một cách bền vững, chậm mà chắc, làm thực chất, tiến triển về mặt định lượng chứ không phải hô hào khoa trương thành tích. Đồng thời, nâng cao ý thức dân tộc cho từng người, từng bản làng để chính họ gìn giữ và phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.