Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Như Ý - 23:35, 16/05/2024

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật.
Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật.

Nguyên nhân gây nhiễm bệnh sán lá gan

Nguyên nhân chủ yếu khiến con người nhiễm bệnh sán lá gan là do thói quen ăn uống. Ngoài ra, nếp sống thiếu vệ sinh, phóng uế bừa bãi, vứt bỏ chất thải chưa được xử lý ra môi trường… cũng là những nguyên nhân khiến sán có điều kiện sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho con người.

Chủng sán lá gan gây bệnh ở người được chia làm 2 loại là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Các loại sán lá gan lớn có kích thước lớn gấp nhiều lần so với sán lá gan nhỏ.

Sán lá gan nhỏ có vật chủ trung gian là các loài ốc, cá nước ngọt, vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, chuột…. Người bệnh nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ do ăn cá và các loài thủy sinh có chứa ấu trùng sán. Khi chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ vào dạ dày, rồi lên gan theo đường mật và phát triển thành sán lá gan.

Sán lá gan lớn thường tồn tại chủ yếu ở những loài vật ăn cỏ như: trâu, bò, dê, cừu…Con người bị nhiễm sán lá gan lớn do ăn phải các loại rau mọc ở dưới nước bị nhiễm bẩn và có chứa sán loại này như: rau muống, rau cần…

Thói quen ăn gỏi cá sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sán lá gan
Thói quen ăn gỏi cá sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sán lá gan

Triệu chứng của bệnh sán lá gan

Các triệu chứng của bệnh sán lá gan bao gồm đau bụng, vàng da, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, sụt cân,… Tuy nhiên, triệu chứng này thường xuất hiện ở thời kỳ lây truyền, ở thời gian ủ bệnh, người bệnh gần như không có biểu hiện gì rõ rệt.

Thời gian ủ bệnh: Ở giai đoạn ủ bệnh sán lá gan, rất khó phát hiện ra những biểu hiện rõ rệt vì nó còn tùy thuộc vào số lượng ấu trùng đã ăn phải. Đối với sán lá gan nhỏ, nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt. Đối với sán lớn, trong thời gian này khó xác định được triệu chứng chính xác.

Thời kỳ lây truyền: Do sán lá gan ký sinh và đẻ trứng trong gan, mật nên có thể khiến người mắc bệnh có những triệu chứng sau đây:

Đau bụng: Những cơn đau quặn bụng xảy ra do sán lá gan di chuyển từ ruột đến gan, chui qua bao gan hoặc chui vào ống mật làm tắc nghẽn ống mật;

Vàng da, da xanh, nhợt nhạt: Sán lá gan ký sinh trong gan, mật, gây tắc nghẽn và làm nhiêm trùng gan, ống dẫn mật. Điều này biểu hiện qua việc da bị vàng hoặc da xanh, nhợt nhạt. Bên cạnh đó, ở một số bệnh nhân, do bị nôn nhiều, tiêu chảy, chán ăn cũng dẫn đến tình trạng da xanh, nhợt nhạt;

Khó chịu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy: Đây là hậu quả do ống dẫn mật bị tắc. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng nhiều hay ít;

Sút cân: Việc nhiễm sán lá gan gây cho người mắc chán ăn, mất cảm giác ngon miệng nên rất dễ sút cân nếu người bệnh mắc sán lá gan trong thời gian dài;

Nổi ban: Đây là triệu chứng khá phổ biến trong giai đoạn đầu khi sán lá gan thâm nhập vào gan. Những ban ngứa xuất hiện do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm trùng do sán lá gan gây ra trên gan;

Sốt: Sự tắc nghẽn ở các ống mật có thể gây ra nhiễm trùng và làm người mắc bị sốt.

Sán lá gan kí sinh lâu năm khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Sán lá gan kí sinh lâu năm khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sán lá gan

Để chẩn đoán một ca bệnh sán lá gan, bác sĩ cần phối hợp các thông tin về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Các phương pháp xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh và mức độ bệnh sán lá gan bao gồm:

Xét nghiệm máu: Sau khi sán lá gan xâm nhập vào cơ thể, cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo ra các kháng thể. Việc thực hiện xét nghiệm máu giúp xác định kháng thể sán lá gan. Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu tìm sự gia tăng bất thường của bạch cầu ái toan giúp chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm phân: Phương pháp chẩn đoán này giúp tìm thấy sự hiện diện của trứng sán lá gan hoặc sán lá gan trưởng thành trong phân của người bệnh. Tuy nhiên, khả năng tìm thấy trứng sán là không cao và yêu cầu phải lấy mẫu phân trong 3 ngày liên tiếp.

Chụp gan: Chẩn đoán hình ảnh gan bao gồm nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Các phương pháp này giúp kiểm tra sự có mặt của sán lá gan và các tổn thương do chúng gây ra tại gan.

Siêu âm bụng: cho hình ảnh tổn thương nhu mô gan dạng tổ ong hoặc tụ dịch dưới bao gan, hình ảnh các ổ áp xe. Sán lá gan trên siêu âm có thể quan sát được với hình ảnh giống chiếc lá, dẹt nếu kích thước lớn. Siêu âm bụng cùng với xét nghiệm soi phân được chọn làm như các xét nghiệm sàng lọc bệnh ở những vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm sán lá gan cao.

Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Điều trị sán lá gan

Điều trị bệnh phụ thuộc vào tình trạng nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, thời gian điều trị để được rút ngắn, quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, sức khỏe được hồi phục nhanh nhất thì người bệnh cần phải chú ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Việc để bệnh muộn và biểu hiện bệnh nặng thì phải can thiệp các phương pháp như là dẫn lưu ổ áp xe, can thiệp ngoại khoa. Về thuốc điều trị nội khoa, nếu chẩn đoán sán lá gan lớn cần điều trị bằng thuốc Triclabendazole, còn với sán lá gan nhỏ điều trị bằng thuốc Praziquantel...

Muốn tiêu diệt sán lá gan phải cắt đứt mắt xích trong chu trình phát triển của sán lá gan, trong đó quan trọng là ngăn ngừa sán lá gan thông qua đường ăn uống mà xâm nhập vào cơ thể người. Vì vậy, điều trị đặc hiệu cho người nhiễm sán lá gan cũng là một biện pháp diệt trừ mầm bệnh.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được khám và điều trị. Khi được điều trị sớm, người bệnh thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị và được chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị càng muộn, các tổn thương cơ thể do sán gây ra càng nặng nề.

Phòng ngừa luôn là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe.
Phòng ngừa luôn là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe.

Cách phòng chống bệnh sán lá gan

Phòng ngừa luôn là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe. Bạn cần biết rằng bệnh sán lá gan hoàn toàn có thể ngăn ngừa dễ dàng. Do đó, để phòng chống bệnh do sán lá gan gây ra, mỗi người cần phải thực hiện các biện pháp sau:

Ăn chín, uống sôi, không ăn các loại gỏi cá sống hoặc các món ăn chế biến từ cá, cua, ốc nếu không được nấu chín hoàn toàn.

Không uống nước lã, nước chưa được đun sôi.

Không ăn gan động vật chưa được nấu chín, tiết canh.

Hạn chế ăn sống hoặc chưa nấu chín các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau ngổ, rau cần, ngó sen,... Đặc điểm của sán lá gan lớn là bám rất chắc vào thành rau. Do vậy, dù rửa kỹ dưới vòi nước chảy trực tiếp thì vẫn khó loại bỏ sán hoàn toàn. Vì thế, các loại rau thủy sinh cần được nấu chín kỹ trước khi ăn. Nhiệt độ cao sẽ giúp tiêu diệt hoàn toàn các ấu trùng sán gan trong rau và không gây hại cho sức khỏe.

Rửa sạch tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Giữ gìn vệ sinh nơi sinh hoạt, không thả phân tươi xuống ao cá, không phóng uế vào nguồn nước.

Không dùng phân tươi bón rau. Tiến hành tẩy giun, sán định kỳ 6 tháng/lần.

Bên cạnh việc thực hiện các cách phòng bệnh sán lá gan như nâng cao ý thức vệ sinh, chú ý cách ăn uống,... thì bạn cũng cần theo dõi sự thay đổi của cơ thể. Nếu thấy có biểu hiện bất thường nghi nhiễm giun sán, cần đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân cũng như được thăm khám và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn với trên 96% là người DTTS sinh sống, người dân vùng cao Lộc Bình vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con vùng DTTS nơi đây, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng này.