Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người có uy tín giữ mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Ngọc Thu - 06:36, 04/07/2024

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 995 Người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Nhiều năm qua, đội ngũ Người có uy tín luôn tâm huyết bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Nhờ đó mạch nguồn văn hóa của dân tộc luôn được khơi nguồn, tuôn chảy…

Người có uy tín Đinh Văn Phâng cùng đội cồng chiêng trình diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III - 2024
Người có uy tín Đinh Văn Phâng cùng đội cồng chiêng trình diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III - 2024

Quảng bá, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống

Anh Đinh Văn Phâng đã có gần 10 năm được bà con bầu chọn là Người có uy tín của đồng bào Ba Na ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang. Mọi lời nói và hành động của anh Phâng luôn được Nhân dân làng Hà Nừng tin tưởng, nghe theo. Ngoài tuyên truyền bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh Phâng còn vận động bà con làng Hà Nừng cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Ba Na như cồng chiêng, múa xoang, các lễ, hội truyền thống...

Nhờ vậy, làng Hà Nừng trở thành điểm sáng về gìn giữ nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng của xã Sơn Lang. Trong đó, anh Phâng là một nghệ nhân tiêu biểu, có vai trò quan trọng trong việc truyền dạy cách đánh cồng chiêng. Bên cạnh đó, anh Phâng cũng vận động bà con thực hành những nghề truyền thống như đan lát, làm nhạc cụ dân tộc… Nhờ vậy, người dân làng Hà Nừng rất tin yêu và cùng anh đồng hành trong những sự kiện văn hóa, nghệ thuật.

Anh Đinh Mỡi, công chức tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kbang nhận định: Nhờ có anh Phâng, chúng tôi tập hợp được dân làng thành đội cồng chiêng có thể trình diễn trong những dịp lễ, hội của địa phương và toàn tỉnh Gia Lai. Cùng với đó, anh Phâng đã hỗ trợ đắc lực để địa phương quảng bá, bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Ba Na tại các làng vùng đồng bào DTTS.

Được chọn là Người có uy tín của dân làng, mình vui và tự hào lắm. Mình sẽ cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm, cùng dân làng gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Gia Rai, động viên thế hệ trẻ của làng tích cực tiếp thu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Ông Nay Tek, Người có uy tín ở làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa

Trong các lễ hội lớn của buôn làng Ba Na ở huyện Đak Đoa, không thể thiếu vai trò của già làng, thầy cúng. Tại Lễ cầu mưa của làng Hnap, xã K’Dang, huyện Kbang, già làng, Người có uy tín A Ngop (SN 1958) làm chủ lễ. Để gìn giữ nghi lễ truyền thống quan trọng trong cuộc sống hiện đại, già Ngop đã hướng dẫn bà con từ khâu chuẩn bị sửa chữa, quét dọn giọt nước, lễ vật như ghè rượu, con bò, trâu, heo, gà… cho đến khâu thực hiện nghi lễ chính. Dân làng nghe theo già A Ngop để tiến hành các nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Tại huyện Chư Pưh, nghệ nhân, Người có uy tín Nay Tek (SN 1969) nổi tiếng với biệt tài “tìm hồn chiêng lạc”. Nhờ có năng khiếu và chịu khó tập luyện, ông Nay Tek trở thành người đánh cồng chiêng giỏi ở làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa. Hơn 8 năm qua, ông Tek đã “truyền lửa” đam mê đến nhiều thế hệ trẻ trong làng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Trong dịp lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, các hội thi, trình diễn, ông Tek luôn dành thời gian chuẩn bị các mô hình: nhà rông, nhà mồ, mặt nạ, áo choàng của các pram (người làm trò hề)… và động viên, truyền cảm hứng cho các thành viên trong đoàn thể hiện, trình diễn hết mình.

Đặc biệt, ông Tek cũng là nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi của huyện Chư Pưh. Để giữ những âm thanh đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, ông Tek đã dành thời gian đi khắp các buôn làng chỉnh các bộ chiêng bị lạc âm. Khi chỉnh được chiếc chiêng, níu giữ lại “hồn” chiêng thanh thoát, ngân vang là một niềm vui vì thỏa lòng đam mê với cồng chiêng của chính mình.

Người có uy tín Nay Tek hướng dẫn thanh niên trong làng Djriêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chỉnh chiêng
Người có uy tín Nay Tek hướng dẫn thanh niên trong làng Djriêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chỉnh chiêng

Trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 955 Người có uy tín, những năm qua, họ luôn miệt mài góp sức bằng nhiều cách để xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc. Nhờ vậy, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Anh Phâng chia sẻ: “Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào Ba Na chúng tôi gìn giữ được bản sắc truyền thống của mình, thì chúng tôi phải cố gắng. Hiện nay, làng đã có đội cồng chiêng có hơn 30 thành viên. Bên cạnh đó, những hoạt động, trò chơi văn hóa truyền thống như giã gạo chày đôi, đi cà kheo… vẫn được chúng tôi gìn giữ, trình diễn trong dịp lễ, hội quan trọng”.

Ở làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh đã có hai đội cồng chiêng, một đội người lớn và một đội trẻ em. Đội chiêng trẻ có 35 thành viên, độ tuổi từ 20 trở xuống, ai cũng đánh chiêng rất tốt, đi thi lúc nào cũng đạt giải cao, ai xem đội trình diễn cũng thích thú, yêu mến.

Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai khẳng định: Tỉnh Gia Lai luôn quan tâm, thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách với Người có uy tín; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ Người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Qua đó, Người có uy tín cập nhật, nắm bắt làm cơ sở tuyên truyền, vận động tại địa phương. Tỉnh cũng rất chú trọng công tác khen thưởng đối với những Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên Người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Bà mẹ của 2 đứa trẻ viết tiếp ước mơ sự học tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bà mẹ của 2 đứa trẻ viết tiếp ước mơ sự học tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT

29 tuổi, lần đầu tiên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT để hoàn thành ước mơ học tập của mình, đó là một hành trình ý nghĩa và đầy cảm xúc của thí sinh Lý Sử Mẩy tại điểm thi số 1 thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trải qua nhiều gian khó, thí sinh đặc biệt này đã cùng với hơn 8 nghìn thí sinh khác của tỉnh Lào Cai đang nỗ lực hoàn thành những môn thi của kỳ thi năm nay.