Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín -"hạt nhân" phát triển kinh tế ở địa phương

Hồng Phúc - 16:00, 01/08/2022

Trong những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền giúp đồng bào vươn lên xóa đói, giảm nghèo, trở thành "hạt nhân", góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại thôn, bản và khu dân cư.

Người có uy tín xã Tân Thượng luôn gương mẫu trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới
Người có uy tín xã Tân Thượng, huyện Di Linh (Lâm Đồng) luôn gương mẫu trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín (NCUT) đã vận động đồng bào trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế địa phương.

Tới thăm bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), người dân trong bản đều ca ngợi ông Lý Văn Hom, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín ở bản Tổng Pịt luôn hết lòng với bà con dân bản.

Bản Tổng Pịt hiện có 94 hộ dân, trong đó có 73 hộ gia đình là dân tộc Khơ Mú, còn lại là dân tộc Mông. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm xã nên việc tiếp cận thông tin đại chúng của bà con trong bản còn nhiều hạn chế. 

Là cán bộ của bản, ông Lý Văn Hom nhìn thấy được điểm yếu lớn nhất của bà con người Mông, Khơ Mú, là sự hạn chế trong nhận thức xã hội, điều này khiến bà con không rụt rẻ, ngại tiếp cận với cái mới, ngại thay đổi... Bí thư Hom xác định, việc đầu tiên là phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để bà con trong thôn nâng cao nhận thức, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ăn, ở sinh hoạt, ma chay, cưới hỏi, vươn lên phát triển kinh tế.  

Để vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Hom cùng cán bộ khuyến nông đã hướng bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế; đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống Nhân dân... Từ sự năng động, tâm huyết của người cán bộ "đầu tàu" cùng những nỗ lực, đồng lòng của người dân bản Tổng Pịt, đến nay, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 triệu đồng/người/năm; trong bản có 10 hộ gia đình thuộc diện khá giả với nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt đạt khoảng khoảng 100 triệu đồng/năm.

Còn ông K’Chiểu, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 4, xã Tân Thượng, huyện Di Linh (Lâm Đồng), là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Với cương vị là Người có uy tín, ông luôn phát huy vai trò, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. 

Ông vận động người thân trong gia đình, bà con trong xã áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, ông còn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho bà con học tập.

Ông K’Chiểu chia sẻ: “Là Người có uy tín, bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu trong mọi công việc, qua đó mới có cơ sở tuyên truyền cho bà con thực hiện, làm theo. Tôi cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...”

Với 3 ha cà phê già cỗi ban đầu, hiện nay, gia đình ông K’ Chiểu đã tái canh được 1,6 ha, thực hiện mô hình trồng xen 340 cây bơ, sầu riêng và hồ tiêu. Làm theo ông K' Chiểu, bà con ở thôn 4 cũng đã chuyển đổi tái canh 144 ha/tổng diện tích 376 ha cà phê, đạt khoảng 70% diện tích. Nhờ tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng nên đời sống kinh tế của bà con từng bước được ổn định, ý thức tham gia xây dựng nông thôn mới được nâng cao.

“Đến nay, bà con thôn 4 đã hiến hàng ngàn m2 đất và 6.000 cây cà phê với giá trị 1,2 tỷ đồng, đóng góp trên 647 triệu đồng xây dựng hội trường thôn, đường điện thắp sáng và bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất... Mặc dù thôn đã được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động bà con đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cổng, sân, hàng rào...”, ông K’Chiểu phấn khởi nói.

Ông Lý Văn Hom và ông K’Chiểu chỉ là 2 trong hàng ngàn Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công tác xã hội. Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng số Người có uy tín trên cả nước là 29.567. 

Đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín có vị trí đặc biệt, có ảnh hưởng to lớn trong vùng đồng bào dân tộc. Họ đều có một điểm chung là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm; đặc biệt phần lớn họ là hạt nhân phát triển kinh tế ở địa phương, vì vậy, họ luôn được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng...

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.