Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín ở Ngòi Lẫu

Văn Hoa - 11:56, 06/04/2021

Từ năm 2015, khi được Nhân dân tin tưởng và bầu là Người có uy tín của thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái), bên cạnh các hoạt động hữu ích khác cho cộng đồng, ông Dương Quốc Đậu, sinh năm 1942, dân tộc Tày, đã nỗ lực trong việc vận động bà con các dân tộc cùng nhau gìn giữ văn hóa dân tộc và xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương.

Ông Dương Quốc Đậu (bên trái) trò chuyện cùng ông Đặng Văn Lả, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng
Ông Dương Quốc Đậu (bên trái) trò chuyện cùng ông Đặng Văn Lả, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng

Trong chuyến công tác về xã Châu Quế Thượng, chúng tôi có ấn tượng đặc biệt bởi con đường liên xã bên dòng sông Hồng vừa được đổ bê tông sạch đẹp; thấp thoáng ven đường là những ngôi nhà gỗ truyền thống. Ông Đặng Văn Lả, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng phấn khởi thông tin tới chúng tôi là, đầu năm 2021 xã đã về đích NTM . 

"Để có được kết quả này là cả một quá trình nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, của Nhân dân, của Người có uy tín trên địa bàn toàn xã, trong đó có ông Dương Quốc Đậu, Người có uy tín của thôn Ngòi Lẫu", ông Đặng Văn Lả cho biết.

Dẫn chúng tôi đến nhà ông Dương Quốc Đậu,  Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Lả chia sẻ: Ông Dương Quốc Đậu là một cán bộ hưu trí về sinh sống tại địa phương. Ông là một trong những Người có uy tín có tiếng nói quan trọng đối với bà con trong thôn; tham gia đóng góp có hiệu quả cho lãnh đạo địa phương để giải quyết những vấn đề đảm bảo quyền lợi cho bà con các dân tộc; tích cực vận động quần chúng Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng NTM trên địa bàn xã.

Xung quanh phòng khách nhỏ là những Bằng khen, Giấy khen, Huân chương… . Trò chuyện với chúng tôi, ông Đậu mải miết về những câu chuyện đi học kèn bát âm từ những năm 1990, với mong muốn lưu giữ nghi lễ đám tang truyền thống của người Tày. 

Sau đó, ông được bà con tin tưởng mời thực hiện các thủ tục, nghi lễ trong đám tang dân tộc Tày tại địa phương. Hiện nay tuổi đã già, ông không thổi được kèn nên ông đang dành tâm huyết để truyền dạy lại cho người con trai cả giữ nghề. Đồng thời, tìm người để hoàn chỉnh bộ nghi lễ kèn bát âm nhằm giúp bà con khi cần.

Trong xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương, ông Đậu tích cực cùng với chính quyền thôn, xã tham gia xây dựng hương ước thôn, vận động, tuyên truyền bà con bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, không phù hợp như việc để tang không quá 48 tiếng, thay vì trước kia có khi để từ 4 - 5 ngày; thay vì giết lợn để báo hiếu sẽ thay bằng tiền… để đỡ gánh nặng cho gia đình tang chủ. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được ông quan tâm và nhắc nhở, làm sao phải giữ được hồn cốt dân tộc, từ việc gìn giữ phong tục tập quán, truyền dạy lại tiếng mẹ đẻ cho lớp trẻ.

Trước thực trạng lớp trẻ đi học ở ngoài, có nguy cơ mai một đi tiếng nói dân tộc, ông Dương Quốc Đậu tích cực dặn dò cho các cháu phải học nói tiếng bố mẹ đẻ. Với vai trò là Người có uy tín, ông đã vận động các gia đình nêu cao lòng tự hào, tình yêu và truyền thống của dân tộc bằng việc dạy tiếng mẹ đẻ cho chính con em mình. Nhờ đó, những lớp trẻ em khi lớn lên đều có ý thức học và biết nói tiếng dân tộc mình.

Với ông Đậu, để nói cho dân tin và làm theo, trước tiên mình phải gương mẫu. Ông là người cha, người ông mẫu mực, nuôi, dạy con cháu phấn đấu học tập và nay đều có công ăn, việc làm, kinh tế ổn định.

 Hiện nay, dù con cháu đã có những căn nhà mới, khang trang nhưng ông vẫn giữ và đang ở lại căn nhà gỗ với mái lợp cọ truyền thống, vì muốn dạy dỗ con cháu phải gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Giữ ngôi nhà này cũng là giữ những kí ức,  những kỷ niệm đẹp của con cháu trong gia đình, giữ được bản sắc dân tộc Tày.

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.