Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thị xã Nghĩa Lộ: Bảo tồn văn hóa trong học đường

Trọng Bảo - 20:34, 13/01/2021

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào các DTTS nơi đây. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả, đó là đưa văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn vào giảng dạy trong các trường học.

Các em thiếu niên, nhi đồng được dạy các điệu múa, điệu xòe… ở cả trong nhà trường và gia đình
Các em thiếu niên, nhi đồng được dạy các điệu múa, điệu xòe… ở cả trong nhà trường và gia đình

Về Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò, bên cạnh những điệu xòe, bài khắp, tiếng sáo của những nghệ nhân cao tuổi, du khách không khỏi bất ngờ khi thấy các em thiếu niên, nhi đồng biểu diễn những màn nghệ thuật đặc sắc. Các động tác khó của những điệu xòe cổ dân tộc Thái, những điệu múa của dân tộc Khơ Mú, dân tộc Mường… được các em diễn thuần thục và tự nhiên như một nghệ nhân thực thụ. Đây là kết quả từ việc,  đưa di sản văn hóa các dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường mà ngành Giáo dục địa phương triển khai thời gian qua.

Em Lò Thị Bích Ngọc, dân tộc Thái ở bản Mớ, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Em được chính bà, mẹ dạy cho các điệu múa, rồi được các cô, các chị ở đội văn nghệ chỉ bảo. Ở trường học, các thầy, cô cũng dạy chúng em rất tỉ mỉ, ban đầu học cũng thấy khó, nhưng rồi chúng em cũng quen dần và thêm yêu những điệu múa, điệu xòe câu hát của dân tộc mình hơn. Không chỉ vậy, chúng em còn được biết thêm văn hóa của các dân tộc khác thông qua các bạn học trong trường.

Các em học sinh biểu diễn các điệu múa truyền thống của dân tộc
Các em học sinh biểu diễn các điệu múa truyền thống của dân tộc

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Hầu hết học sinh nhà trường là con em đồng bào các DTTS, khi nhà trường đưa các điệu múa, bài hát vào giảng dạy thông qua các buổi học ngoại khóa, các em học sinh rất hào hứng và tham gia nhiệt tình.

"Riêng đối với việc dạy chữ Thái thì tương đối khó, nên chúng tôi đã chủ động mời các nghệ nhân, các bác cao tuổi giúp đỡ nhà trường dạy các em học sinh cũng như là các thầy cô giáo. Thực tế hiện nay, kể cả người Thái biết được chữ Thái cổ rất ít, chính vì vậy, thông qua hoạt động này góp phần giáo dục các em học sinh yêu văn hóa của dân tộc mình và văn hóa của các dân tộc khác. Bên cạnh đó, chúng tôi được biết, thị xã Nghĩa Lộ cũng hướng dẫn các xã, phường, trường học dạy chữ Thái cổ cho các em thiếu niên, nhi đồng; các lớp học này cũng thu hút rất đông các em học sinh tham gia", cô Ánh cho biết thêm.

Để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc địa phương, thời gian qua, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư, trường học ở Nghĩa Lộ đã có nhiều giải pháp hay, trong đó có việc truyền dạy cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng với đó, việc xã hội hóa công tác bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc cũng được người dân nơi đây hưởng ứng, tham gia.

Một lớp dạy chữ thái cổ cho các em thiếu niên, nhi đồng
Một lớp dạy chữ Thái cổ cho các em thiếu niên, nhi đồng

Bên cạnh truyền dạy các điệu múa, các em nữ sinh còn được chị em phụ nữ ở các xã, phường dạy cách thêu thùa, may vá... để biết cách tạo nên những bộ trang phục dân tộc  và những đồ lưu niệm được du khách yêu thích ... Qua đó, không chỉ giúp các em làm đẹp cho bản thân, vun đắp hạnh phúc gia đình khi trưởng thành mà còn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển nghề thủ công, may mặc ở địa phương.

“Ngoài giờ các con học ở trường, khi về nhà, tôi và các chị em trong thôn cũng thường xuyên hướng dẫn cho các cháu biết cách thêu thùa, học may các trang phục truyền thống từ dễ đến khó. Bây giờ nhiều cháu dù còn nhỏ tuổi, nhưng đã có thể tự may cho mình những chiếc áo của dân tộc mình. Các cháu rất thích, vì đó là sản phẩm của chính mình làm ra”, chị Lò Thị Uân ở xã Hạnh Sơn cho biết.

Đối với các em nam được nghệ nhân truyền dạy cho cách chế tác nhạc cụ, cách thức chế biến các món ăn dân tộc đặc sắc để không chỉ phục vụ gia đình mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách…

Với nhiều cách làm hay, trong đó là xã hội hóa việc bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc đã và đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, một lớp nghệ nhân tương lai với tình yêu văn hóa dân tộc mình đang dần hình thành và phát triển ở vùng đất Mường Lò giàu bản sắc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.