Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người có uy tín phát huy giá trị của hương ước để gìn giữ văn hoá truyền thống

Ngọc Thu - 07:15, 20/11/2022

Những năm qua, tại các buôn làng vùng DTTS tỉnh Gia Lai, những Người có uy tín đã phát huy giá trị của hương ước, quy ước để điều chỉnh một số hoạt động trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS.

Dân làng vui mừng đón nhà rông mới tại làng Ốp, Tp. Pleiku, Gia Lai
Dân làng vui mừng đón nhà rông mới tại làng Ốp, TP. Pleiku, Gia Lai

Phát huy giá trị của hương ước

Với người Gia Rai, giọt nước (hay còn gọi là bến nước), là không gian sinh hoạt chung của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng theo luật tục truyền thống. Tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), quy ước này được đưa vào hương ước để bà con thực hiện. Nhờ đó, dân làng luôn tuân thủ, giữ gìn khu vực giọt nước của làng luôn sạch sẽ.

Già làng Hmrik - Người uy tín làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, Tp. Pleiku) bên bản hương ước của làng
Già làng Hmrik - Người có uy tín làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đọc bản hương ước của làng

Già làng Hmrik, Người có uy tín làng Ia Nueng cho biết: Hương ước được xây dựng dựa trên cơ sở luật tục. Bản hương ước của làng Ia Nueng gồm 10 điều quy định các nội dung như: phát triển kinh tế; bảo vệ công trình công cộng; văn hóa - xã hội; bảo vệ và phát triển rừng… Làng Ia Nueng có 225 hộ và chỉ còn 5 hộ nghèo. 

Đây cũng là làng đầu tiên của xã được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn NTM trong đồng bào DTTS năm 2019. Có được những thành quả đó, một phần là nhờ dân làng luôn tuân thủ theo hương ước”.

Còn đối với già làng, Người có uy tín Đinh Keo của đồng bào Ba Na ở làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) đã dùng hương ước để bảo vệ nương rẫy, cuộc sống của dân làng. “Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương/Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước/Bảo vệ cuộc sống của lũ làng…”, đó là những câu nói mà già Đinh Keo vẫn nhắc khi nhớ lại những bước chuyển biến dài từ luật tục của làng đến bản hương ước ngày hôm nay.

Già Đinh Keo kể rằng, gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc, là một trong những quy ước nằm trong luật tục bao đời của làng Pyang, nay vẫn được đưa vào hương ước. Các dân tộc đều có luật tục riêng, đó là những quy ước gắn liền với phong tục tập quán của họ để điều chỉnh các mối quan hệ. Khi xây dựng hương ước, dân làng lựa chọn, kế thừa những yếu tố tích cực của luật tục để đưa vào. 

“Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chính quyền địa phương đã hướng dẫn làng đưa những điều hay, lẽ phải từ luật tục vào hương ước. Luật tục, bản hương ước của làng nêu rõ, người Ba Na phải biết dệt vải, đánh chiêng, phải cùng nhau chăm chỉ lên nương rẫy và cùng đoàn kết, biết nghe Đảng, nghe chính quyền và rời xa bọn xấu. Những khuôn phép ấy đã tạo nên lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng nên không ai phản đối”, ông Đinh Keo khẳng định.

Và đó chính là “bí quyết” mà già Đinh Keo áp dụng trong suốt những năm tháng giữ vai trò “cây đại thụ” của làng, dẫn lối dân làng làm theo cùng gìn giữ văn hoá truyền thống. 

Ông chia sẻ: “Mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về bản sắc văn hóa riêng, dân tộc Ba Na cũng thế. Để niềm tự hào ấy không bị mai một và mãi ăn sâu vào máu thịt của đồng bào, những già làng, Người có uy tín như chúng tôi phải ngày đêm “đánh thức” nó bằng nhiều cách khác nhau. Những luật tục, bản hương ước của làng đang được chúng tôi sử dụng  thực hiện thành công sứ mệnh ấy ”.

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.500 hương ước, quy ước đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện. Nhiều hương ước, quy ước ở vùng đồng bào các DTTS đã kết hợp hài hòa giữa luật tục truyền thống với pháp luật của Nhà nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Lưu giữ mạch nguồn văn hoá

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Pleiku cho biết: TP. Pleiku có 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 43 làng DTTS). Tất cả đều có hương ước, với các quy định phù hợp thực tế và bản sắc văn hóa dân tộc, dựa trên những quy định của pháp luật, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống, hỗ trợ cho công tác duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các quy định trong hương ước không còn bóng dáng của những tập tục lạc hậu. Nếu có vi phạm, già làng, Người có uy tín đều có hình thức xử phạt đem đến sự hòa giải và đoàn kết trong cộng đồng.

Già Hmrik khẳng định: “Những giá trị văn hóa của người Gia Rai được lưu giữ, là nhờ người dân nghiêm túc thực hiện những quy định trong hương ước của làng. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức họp làng vào ngày 5 theo quy định. Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa”.

Già Đinh Keo - Người có uy tín làng Pyang ( thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) dùng hương ước để gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc Ba Na
Già Đinh Keo - Người có uy tín làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) dùng hương ước để gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc Ba Na

Hiện nay, già Đinh Keo đã sưu tầm được 10 bộ chiêng. Ngoài ra, già còn dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng; dạy 300 người trong làng múa xoang, tạc tượng gỗ, hát dân ca. Để duy trì phát huy quy định từ bản hương ước của làng, già Đinh Keo còn không ngừng truyền dạy, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc cho dân làng Ba Na nơi đây. 

Già Đinh Keo chia sẻ: “Tùy vào thực tiễn mà cần áp dụng những biện pháp tuyên truyền khác nhau. Không khiên cưỡng, mà phải bằng chính uy tín của mình, để mọi người nghe, tin, làm theo mình trong học đánh chiêng, múa xoang, tạc tượng. Đặc biệt phải khơi dậy được niềm đam mê của thế hệ trẻ yêu thích và tự hào về giá trị văn hóa dân tộc”.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Đồng bào, sư sãi Khmer an vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Kiên Giang: Đồng bào, sư sãi Khmer an vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Không khí Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã và đang tiếp tục rộn ràng khắp các phum sóc, các ngôi chùa và đến từng hộ gia đình. Ngoài các hoạt động tại chùa theo phong tục truyền thống, đồng bào Khmer còn được các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn phối hợp với các chùa Khmer tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ chào mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào.