Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Người có uy tín tiêu biểu ở La Ngan

Đào Thọ- Nguyệt Anh - 19:17, 10/12/2023

Rời quân ngũ, nhưng phẩm chất kiên trung, gương mẫu, tiên phong… của người lính Cụ Hồ vẫn vẹn nguyên trong ông; để rồi, dù ở cương vị nào, người Cựu chiến binh dân tộc Khơ Mú vẫn luôn trăn trở, đau đáu với cuộc sống thường ngày của bà con dân bản. Ông là Moong Biên Phòng, Người có uy tín trong cộng đồng người Khơ Mú ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Ông Moong Biên Phòng trước ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình. Ảnh: Đào Thọ
Ông Moong Biên Phòng, Người có uy tín ở bản La Ngan. Ảnh: Đào Thọ

Cựu binh ở vùng đất biên cương

Chúng tôi đến thăm nhà của Người uy tín Moong Biên Phòng vào một ngày đầu Đông, trong căn nhà sàn đơn sơ của người Khơ Mú ở bản La Ngan, người đàn ông ngoài 70 tuổi này đang đánh trần với đám cháu nhỏ và mấy quyển sách của bậc tiểu học. Dáng người thấp đậm chắc nịch, nước da ngăm đen khiến chúng tôi nghĩ ông trẻ hơn cái tuổi “thất thập cổ lai hi” của mình.

Khi được hỏi về quãng đời trai trẻ, ông Moong Biên Phòng trầm ngâm: Tôi sinh năm 1950. 19 tuổi thì vào bộ đội theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Cuộc đời tôi đã đi qua các chiến trường ở Tây Nguyên, Nam Bộ. Từng chiến đấu với giặc phỉ Pôn Pốt, từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc…

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi ấn tượng với câu chuyện lập gia đình với cô sơn nữ phía bên kia mấy quả núi. Ông kể lại, năm 1978, ông được về phép 1 tháng. Đối với người Khơ Mú thời điểm ấy, ở cái tuổi gần 30 mà chưa có vợ là chuyện hiếm. Vừa từ miền Nam về, đặt ba lô xuống là gia đình ông giục ông đi tìm vợ. “Khổ nỗi, mình đi lính biền biệt, ở nhà những cô gái bằng tuổi hoặc ít hơn ở trong bản cũng lấy chồng cả rồi, tìm đâu ra nữa. Bản bên cạnh cũng có một vài người trẻ hơn nhưng khi đến dạm hỏi thì họ đều lắc đầu bởi mình gầy và đen nhẻm, lại làm lính xa nhà cả năm trời, ai mà dám lấy”, ông Phòng bộc bạch.

Ông Moong Biên Phòng đến trao đổi với từng hộ dân về công việc của bản. Ảnh: Đào Thọ
Ông Moong Biên Phòng (áo trắng) đến trao đổi với từng hộ dân về công việc của bản. Ảnh: Đào Thọ

Thế rồi ông lại lặn lội sang bản Chăm Puông của huyện Tương Dương để tìm người tâm đầu ý hợp. Cũng may lúc chỉ còn lại mấy ngày phép, ông gặp được cô gái Xeo Thị Mai kém ông 10 tuổi. Cô gái thương anh lính hiền lành, thật thà, chất phác nên đồng ý theo anh về làm vợ. Đám cưới xong, 2 ngày sau người chồng lại lên đường về đơn vị…

Năm 1979, ông Moong Biên Phòng xuất ngũ về quê hương. Ông cùng vợ sinh được 6 người con, đủ nếp lẫn tẻ, nhưng nỗi đau chiến tranh dường như vẫn chưa buông tha ông. Đứa con gái đầu lòng sinh ra một thời gian thì xuất hiện các vết lở loét khắp người rồi mất. Đứa con trai thứ 2 bị dị tật nặng, được 4 tháng sau cũng rời xa ông bà. “Lúc ấy, vợ chồng tôi vừa đau đớn vừa hoang mang. Bà con trong bản thì xì xào rằng, chắc gia đình tôi bị con ma làm hại. Một số người còn ác ý hơn bảo tôi đi lính mang tội gì về đây gây họa. Để xoa dịu lời đồn đoán của dân bản, vợ chồng tôi cũng làm một cái lễ nho nhỏ và mời thầy về cúng bái. Ấy thế mà đứa con thứ 3 sinh ra vẫn bị dị tật. Mãi đến năm 1990, tôi mới được giám định là nhiễm chất độc da cam do hồi hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn. Đau đớn lắm nhưng đành chịu để sống tiếp thôi”, ông Moong Biên Phòng chia sẻ.

Điều gì đã khiến ông vượt qua nghịch cảnh cuộc đời như vậy? chúng tôi hỏi. Ông Phòng nhìn xa xăm: Tôi chỉ nghĩ rằng, đời lính từng vào sinh ra tử không chết, chỉ một chút khó khăn của cuộc sống mà mình đã ngã gục, đã đầu hàng sao, đó là lý do và động lực duy nhất để tôi tiếp tục cố gắng.

Thời gian rỗi ông thường dạy các cháu học bài. Ảnh: Đào Thọ
Thời gian rỗi, ông thường dạy các cháu học bài. Ảnh: Đào Thọ

Nói để dân hiểu, làm để dân làm theo

Rời quân ngũ, chàng trai trẻ Moong Biên Phòng về quê và được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiêu Lưu vào năm 1981. Năm 1984, ông là Bí thư Đảng ủy xã và sau đó được cử đi học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Học xong, ông về công tác tại UBND huyện Kỳ Sơn rồi Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy gần 2 nhiệm kỳ. Năm 2005, ông nghỉ hưu, về sinh hoạt tại địa phương và trở thành già làng, Người có uy tín của bản La Ngan từ đó.

Là người từng trải, ông bảo rằng, có những thời điểm thực sự khó khăn nhưng muốn địa phương phát triển được thì người đảng viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đầu những năm 2000, xã Chiêu Lưu - địa danh nằm giáp ranh với các điểm nóng về ma túy của huyện Tương Dương như Xốp Mạt, bản Đửa có rất nhiều người nghiện ma túy. Thấy con em mình bị lao vào vòng xoáy của cái chết trắng, ông đã quyết định lập ra các trại cai nghiện cộng đồng ở các bản Khe Tang, Khe Nằn, bản Cù để giúp họ từ bỏ ma túy. Sau những ngày không biết mệt mỏi, địa bàn xã Chiêu Lưu đã cơ bản không còn người dính đến ma túy.

Ông Moong Biên Phòng đã được tỉnh Nghệ An tuyên dương là già làng, Người có uy tín. Ảnh: Đào Thọ
Ông Moong Biên Phòng đã được tỉnh Nghệ An tuyên dương là già làng, Người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: Đào Thọ

Ông Moong Biên Phòng cho hay, trình độ dân trí của người Khơ Mú ở bản ông còn thấp, kinh tế cũng chưa phát triển, là già làng, ông luôn đau đáu về điều đó. “Khi họp dân, họp Chi bộ đọc nhiều văn bản là thế nhưng người dân không hiểu được. Những cụm từ như “giảm nghèo bền vững”, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”,… nói xong họ cũng để ngoài tai. Vậy nên tôi chỉ nói cái đơn giản nhất để dân hiểu và quan trọng hơn là nói xong phải làm để dân làm theo”, ông Phòng nói.

Để dẫn chứng về những đổi thay của bà con, ông dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông bảo, ngày trước người dân Khơ Mú ở đây hầu như không ai làm nhà vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng. Rồi một lần họp dân, ông trình bày với mọi người rằng, nhà vệ sinh làm chỉ cần khoảng 3 triệu đồng nhưng rất tiện lợi. Nói xong hôm sau ông bắt tay vào làm nhà vệ sinh của gia đình ngay. Dân bản thấy vậy cũng bắt đầu làm theo. Đến nay, hầu như 100% số hộ bản La Ngan đều có nhà vệ sinh riêng, tình trạng ô nhiễm môi được giảm thiểu đáng kể.

Trong sản xuất, khi họp Chi bộ, ông đề xuất mỗi gia đình phải nuôi ít nhất 2 con trâu, bò để chăn nuôi và phát triển, đồng thời khai hoang thêm ruộng nước. “Tôi không thích đưa ra các chỉ tiêu lớn lao mà phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất, dễ làm nhất. Chỉ tiêu đó phải thực hiện cho bằng được rồi mới tính đến chỉ tiêu khác”, ông chia sẻ. Nói là làm, gia đình ông đi đầu trong việc chăn nuôi và làm ruộng nước. Tuy tuổi đã cao nhưng đến nay, ông cũng đã có hơn 10 con trâu, bò và 1 ha lúa nước. Người dân Khơ Mú bản La Ngan cũng từ đó học tập ông và thoát cảnh nghèo đói, đạt danh hiệu bản làng văn hóa.

Là già làng uy tín của cộng đồng người Khơ Mú, ông Moong Biên Phòng tâm sự: Ngày trước các dòng họ của người Khơ Mú ở đây không có sự đoàn kết như bây giờ. Ông đã trực tiếp đến gặp 10 trưởng họ và thuyết phục họ phải đề ra quy chế, hương ước của dòng họ mình. “Đơn giản nhất như mới đây, khi các hộ dân trong bản được hỗ trợ xây dựng nhà ở lắp ghép, các dòng họ đều tự đến giúp người họ mình hoàn thành việc làm nền, dựng nhà. Đó chính là bản sắc và sự đoàn kết của cộng đồng Khơ Mú trước đây mà có một thời gian đã bị lãng quên”, ông Phòng nói.

Một góc bản La Ngan hôm nay
Một góc bản La Ngan hôm nay

Chia sẻ về vị già làng Moong Biên Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu Cụt Thanh Hoài nhấn mạnh: Cụ Moong Biên Phòng dù tuổi đã cao nhưng luôn luôn đi đầu trong mọi công tác của bản và xã. Không chỉ nói mà ông còn là người tiên phong thực hiện để mọi người học hỏi, điển hình như việc thực hiện nếp sống văn hóa, phát triểnt kinh tế… Ông ấy là tấm gương sáng cho bà con dân bản học tập, noi theo.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín tham gia truyền thông bình đẳng giới

Người có uy tín tham gia truyền thông bình đẳng giới

Thời gian qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Người có uy tín tại tỉnh Gia Lai đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật nói chung và pháp luật về bình đẳng giới nói riêng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn.