Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Người có uy tín giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Hà Linh - Minh Thu - 06:00, 09/12/2023

Những năm gần đây, trình độ dân trí, đời sống của đồng bào DTTS ở các địa phương vùng cao Hà Giang ngày càng được cải thiện. Trong thành tích chung đó, Người có uy tín được khẳng định là một trong những lực lượng nòng cốt, là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người có uy tín tiêu biểu Lý Đại Thông (áo xanh) thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đang giới thiệu cho du khách về văn hóa, sản phẩm của thôn.
Người có uy tín tiêu biểu Lý Đại Thông (áo xanh) thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đang giới thiệu cho du khách về văn hóa, sản phẩm của thôn.

Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ có 60 hộ dân. Toàn thôn có 25 hộ gia đình dân tộc Dao làm du lịch cộng đồng hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn và mang lại diện mạo mới cho vùng cao Nặm Đăm. Để có được kết quả như hôm nay là nhờ vào sự hướng dẫn tận tình, kiên trì của ông Lý Đại Thông, Người có uy tín trong cộng đồng thôn Nặm Đăm.

Anh Lý Ngọc Lâm Thông, một trong những hộ gia đình làm dịch vụ Homestay của thôn Nặm Đăm chia sẻ: “Để có được một Làng văn hoá du lịch như hôm nay, gia đình tôi và các hộ làm du lịch cộng đồng đều được bác Lý Đại Thông hướng dẫn, chỉ dạy kiến tạo sinh kế, cách làm du lịch cộng đồng, cách duy trì bản sắc văn hoá, tận dụng thế mạnh cảnh quan, lợi thế về cây trồng, vật nuôi để làm du lịch.

Kể về sự nghiệp gánh vác việc làng, việc xóm của ông Thông là cả một chặng đường dài, bởi trước kia ông từng làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Nay không còn giữ chức vụ cũ thì ông lại được người dân suy tôn bầu làm Người có uy tín.

Nói về công việc của mình, ông Lý Đại Thông bày tỏ: Để bà con trong thôn tin tưởng thì bản thân tôi cũng như gia đình phải gương mẫu trước. Gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 2ha diện tích đất vườn và ruộng cấy lúa chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: Đào, lê, mận... Được các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật cùng việc chăm sóc chu đáo của gia đình, sau một thời gian, cây đã cho quả, có năng suất, chất lượng tốt, nhờ đó gia đình tôi cũng có thu nhập khá. Thấy có hiệu quả, bà con trong thôn cũng tích cực làm theo.

Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của ông Thông, bà con thôn Nặm Đăm đã gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của ông Thông, bà con thôn Nặm Đăm đã gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Còn tại thôn Mỏ Phàng, thôn biên giới của xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trước đây chìm trong đói nghèo, hủ tục. Hàng trăm người dân trong thôn đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên vài năm gần đây, vùng đất này đã đổi thay rõ nét với những ngôi nhà xây cao tầng, nhà cấp 4 khang trang, những nương đồi phủ xanh bởi cây ăn quả, các loại rau màu và cỏ chăn nuôi gia súc… Bà con không còn bỏ quê hương đi lao động trái phép… Có được sự chuyển biến đó, người dân đều nhắc đến Người uy tín - Trưởng thôn trẻ tuổi Mua Thị Và.

Chị Mua Thị Và về làm dâu ở Mỏ Phàng được một thời gian, đến năm 2015 thì được bầu làm Trưởng thôn, khi đó chị Và mới 27 tuổi. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm và chuyên môn, chị Và gặp nhiều khó khăn khi đảm nhiệm công việc của người đứng đầu thôn. Nhưng khó khăn nhất là làm sao để người dân tin tưởng vào Trưởng thôn là phụ nữ trẻ. Chị đã tự đề ra trách nhiệm phải làm sao để vận động người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay trên quê hương.

Người có uy tín Mua Thị Và cùng lãnh đạo xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân thôn Mỏ Phàng.
Người có uy tín Mua Thị Và (người đứng giữa) cùng lãnh đạo xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân thôn Mỏ Phàng.

Chị Mua Thị Và chia sẻ: “Để làm gương, tôi từ bỏ tư duy cũ chỉ cho lợn ăn rau, học hỏi kiến thức chăn nuôi theo hướng hiện đại, phát triển đàn lợn của gia đình. Mỗi năm nuôi 2 lứa lợn, xuất chuồng thu được khoảng 30 triệu đồng. Từ thành công trong nuôi lợn thịt theo cách mới, tôi đã tích cực tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình để bà con thay đổi cách nuôi lợn theo hướng mới”.

Hộ gia đình chị Vừ Thị Dia được Trưởng thôn Mua Thị Và truyền dạy cho kinh nghiệm nuôi lợn, chị chia sẻ: Trước đây, nhà chỉ nuôi 2 con lợn để đủ thịt ăn Tết thôi, giờ được Trưởng thôn hướng dẫn, tôi biết cách cho lợn ăn để làm sao nhanh lớn, cách chăm sóc, vệ sinh chuồng để lợn không bị bệnh. Bây giờ mỗi năm, gia đình tôi nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 8-10 con. Khi lợn xuất chuồng, gia đình vừa có tiền, vừa có thịt lợn ăn Tết.

Trong thôn Mỏ Phàng trước kia, hàng trăm người dân thường xuyên vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa bàn. Để ổn định tình hình, chính quyền địa phương cùng Trưởng thôn, Người có uy tín Mua Thị Và đã tích cực vận động, thuyết phục những gia đình có người thân vượt biên trái phép trở về quê nhà ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời, chị tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Thôn Mỏ Phàng có 15 cột mốc, đường biên giới dài hơn 4 km, ngoài việc tuyên truyền cho người dân trong thôn tích cực tham gia quản lý, tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, mỗi tuần 1 lần, Người có uy tín Mua Thị Và tham gia cùng Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã, Đoàn Thanh niên và dân quân tự vệ địa phương tuần tra biên giới.

Trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngày càng khởi sắc.
Trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngày càng khởi sắc.

Nhận xét về Người có uy tín, Trưởng thôn Mua Thị Và, ông Hoàng Lý Cấu, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng khẳng định: Thôn Mỏ Phàng có sự thay đổi rõ nét trong 10 năm trở lại đây là nhờ có cán bộ trẻ Mua Thị Và điều hành thôn rất tốt. Hiện nay, người dân trong thôn đã loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu như ma chay tốn kém dài ngày, xây dựng đời sống theo hướng văn minh, tiến bộ. Hiện nay, thôn Mỏ Phàng có 35 hộ khá, giàu, trở thành điểm sáng của xã Thượng Phùng.

Ông Lò Sỉ Chảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Quản Bạ cho biết: Huyện Quản Bạ hiện có 107 Người có uy tín tại 107 thôn bản, tổ dân phố. Đây là những người có tiếng nói mang tính thuyết phục rất lớn đối với cộng đồng, xã hội và được Nhân dân tín nhiệm, tin tưởng bầu chọn. Vai trò của Người có uy tín tại huyện đã được phát huy trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đồng bào các dân tộc trong huyện chấp hành tốt các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn...

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín trên địa bàn, thời gian tới các địa phương trong tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chính sách cho Người có uy tín; chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I (2021 - 2025).

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.