Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hiệu quả tuyên truyền vận động của Người có uy tín góp phần thay đổi bản làng

Văn Hoa - 07:37, 09/12/2023

Những năm qua, diện mạo nông thôn xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có những đổi thay tích cực, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Những sự đổi thay đó, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Người có uy tín trong cộng đồng, trong đó ông Đinh Văn Lành, Người có uy tín thôn Vầy Ang, là một trong những điển hình tiêu biểu.

Người có uy tín Đinh Văn Lành kể về quá trình vận động Nhân dân làm đường giao thông nông thôn
Người có uy tín Đinh Văn Lành kể về quá trình vận động Nhân dân làm đường giao thông nông thôn

Có dịp về huyện Đà Bắc, tôi được cán bộ Phòng Dân tộc huyện giới thiệu về ông Đinh Văn Lành, Người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Để mục sở thị, tôi đã có gặp gỡ, trao đổi đầy thú vị với ông.

Căn nhà sàn nhà ông Đinh Văn Lành được xây dựng dưới chân ngọn đồi nhỏ, phía  trước là những hàng cây cau tỏa bóng mát, ao nuôi ba ba. Gặp chúng tôi, ông Lành mừng lắm, ông cho hay thường xuyên đọc Báo Dân tộc và Phát triển, học hỏi các gương điển hình tiên tiến Người có uy tín trên Báo về phát triển kinh tế.

Tiếp chúng tôi trước hiên nhà sàn, ông kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về hành trình di cư của người Mường theo tiếng gọi của Đảng, từ vùng lòng hồ lên vùng đất mới của người dân trong xóm, về những câu chuyện phát triển kinh tế gia đình, vận động người dân hiến đất làm đường…

Ông Đinh Văn Lành bên căn nhà sàn truyền thống của gia đình
Ông Đinh Văn Lành trong căn nhà sàn truyền thống của gia đình

Ông Đinh Văn Lành cho biết, Vầy Nưa là 1 xã tái định cư mới, người dân trong xã từ vùng lòng hồ thủy điện di cư về đây. Những năm mới chuyển lên đây khó khăn vô cùng, thiếu đủ thứ, điện, nước sinh hoạt… Nhưng được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, sự nỗ lực của người dân, dần dần cuộc sống đã ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Thôn Vầy Ang có 132 hộ, hộ ngèo 47 hộ, hộ cận nghèo 25 (theo tiêu chí mới).

Ông Lành kể, ông có 7 năm công tác trong quân ngũ (chiến trường miền Đông), 2 năm là cảnh sát giao thông ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó về địa phương làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã, 19 năm làm Bí thư Đảng ủy xã. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục được Nhân dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín thôn Vầy Ang. Ông Lành bảo, dù tuổi đã cao nhưng mình vẫn phải cố gắng làm những việc có ích cho cộng đồng.

“Để cho người dân tin và làm theo, trước tiên bản thân mình và gia đình cần phải gương mẫu trong mọi phong trào. Trong phát triển kinh tế gia đình, dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn tích cực tăng gia sản xuất. Gia đình tôi hiện có diện tích 50 ha đất trồng keo, 15 con bò, 10 lồng cá và ao nuôi nhiều loại giống cá, ba ba, thu nhập bình quân đạt khoảng 500 triệu đồng/năm”, ông Lành cho hay.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông là người tiên phong đi đầu. Mới đây, khi địa phương có chủ trương xây dựng tuyến đường liên xóm (đường sản xuất), gia đình ông đã hiến 58 gốc luồng (trên khoảng diện tích đất hơn 2000 mét vuông). Ông Lành bộc bạch, khi có chủ trương làm đường, ông ủng hộ và hiến đất mở đường, với mong muốn đường đi thuận lợi kéo theo kinh tế thôn, xóm phát triển đi lên, đóng góp vào công cuộc đổi mới quê hương.

Người có uy tín Đinh Văn Lành
Người có uy tín Đinh Văn Lành

Chỉ vào con đường phía trước nhà, ông Lành kể tiếp, con đường này cũng đi qua phần đất nhà ông rất nhiều. Trước khi làm đường, gia đình ông có hàng cây dừa và cây nhãn rất đẹp, khi có chủ trương, ông sẵn sàng chặt hạ cây để làm đường và kết quả là hiện nay, đã có con đường bê tông sạch đẹp để đi, giúp gia đình ông và người dân thuận tiện đi lại, phát triển sản xuất.

Từ việc tiên phong hiến đất làm đường của ông Đinh Văn Lành đã giúp Nhân dân trong thôn Vầy Ang, trong xã Vầy Nưa học tập, noi theo, vì thế mà phong trào hiến đất làm đường tại địa phương trở nên sôi nổi, góp phần giúp diện mạo nông thôn xã Vầy Nưa đổi thay rõ rệt.

Nói về ngôi nhà sàn của gia đình, ông Lành cười tươi, làm gì có tiền để xây nên vẫn phải ở nhà sàn đấy chứ. Rồi ông giải thích, thật ra ông thích ở nhà sàn hơn, cũng vì muốn lưu giữ nét văn hóa người Mường cho con cháu sau này.

Bên cạnh đó, ông cùng thường xuyên răn dạy con cháu phải cố gắng gìn giữ tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống để giữ hồn cốt của dân tộc; tích cực cùng Nhân dân trong thôn, trong xã xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc…

Với những đóng góp tích cực, có hiệu quả, ông Đinh Văn Lành nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình. Tháng 12, năm 2022, ông Đinh Văn Lành vinh dự là một trong những Người có uy tín tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất năm 2022.

Toàn tỉnh Hòa Bình có 1.212 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; thể hiện vai trò là hạt nhân của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các DTTS trên địa bàn tỉnh.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.