Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Người có uy với sự phát triển làng gốm cổ của người Chăm ở Bàu Trúc

Đỗ Long- Sơn Ngọc - 09:27, 11/11/2023

Anh Đàng Chí Quyết là Người có uy tín tiêu biểu tích cực góp phần phát triển bền vững nghề làm gốm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố, Người có uy tín, anh vận động bà con đoàn kết xây dựng làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm bền, đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh tích cực góp phần đưa nghề làm gốm của Bàu Trúc phát triển lên tầm cao mới, tăng thu nhập làm giàu cho người dân địa phương.

 Người có uy tín Đàng Chí Quyết biểu diễn trống Baranưng tại chương trình nghệ thuật mừng đón Katê làng Bàu Trúc năm 2023.
Người có uy tín Đàng Chí Quyết biểu diễn trống Baranưng tại chương trình nghệ thuật mừng đón Katê làng Bàu Trúc năm 2023.

Chúng tôi về làng gốm Bàu Trúc tìm gặp anh Đàng Chí Quyết, anh vừa có chuyến đi cùng Đoàn Người có uy tín tỉnh Ninh Thuận ra tham quan, học tập tại Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Anh chia sẻ ngay niềm vui: ”Ngày 25/10/2023, Đoàn Người có uy tín tỉnh Ninh Thuận đến thăm Thủ đô Hà Nội và được ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thân mật gặp mặt thăm hỏi, động viên Đoàn. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn Người có uy tín tích cực vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nêu gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống đồng bào”.

Anh Đàng Chí Quyết cùng Đoàn Người có uy tín tỉnh Ninh Thuận đến thăm, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Với nhiều mô hình tiêu biểu như xây dựng làng bản bình yên; phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp nông sản xuất khẩu; thôn bản làm du lịch cộng đồng. Anh mở điện thoại cho chúng tôi xem hình ảnh, video lưu lại những nơi Đoàn Người có uy tín đến tham quan, học tập như bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. Đây là khu dân cư đồng bào dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Học tập kinh nghiệm với những điều “tai nghe mắt thấy” ở các tỉnh Tây Bắc giàu đẹp, anh Đàng Chí Quyết tuyên truyền vận động bà con làng gốm Bàu Trúc học tập mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu qủa.

 Người có uy tín Đàng Chí Quyết tuyên truyền vận động các nghệ nhân gìn giữ nghề làm gốm làng Bàu Trúc.
Người có uy tín Đàng Chí Quyết tuyên truyền vận động các nghệ nhân gìn giữ nghề làm gốm làng Bàu Trúc.

Chúng tôi được biết anh Đàng Chí Quyết tuổi Tân Hợi, sinh năm 1971 ở làng Bàu Trúc (Palei Hamu Craok, làng Ruộng Lồi). Tuổi thơ anh gắn bó với cánh đồng “đất lồi” tục danh ruộng Nu- lanh (gò đất sét, nu: gò, lanh: đất sét). Từ khi 13- 14 tuổi, anh ra đồng gánh đất về đập nhỏ ủ với nước và cát mịn làm nguồn nguyên liệu cho mẹ nặn gốm gia dụng phục vụ đời sống thường ngày của người dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, chàng học sinh dân tộc Chăm Đàng Chí Quyết theo ông nội thuê xe chở gốm vô bán ở Long Khánh, Phan Thiết, Hàm Tân hoặc ngược ra Cam Ranh, Nha Trang. Mỗi chuyến chở gốm đi bán cả tháng mới trở về làng.

Người có uy tín Đàng Chi Quyết trao tặng bình gốm Chăm cho du khách đến tham quan làng nghề Bàu Trúc.
Người có uy tín Đàng Chi Quyết trao tặng bình gốm Chăm cho du khách đến tham quan làng nghề Bàu Trúc.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại Trường THPT An Phước niên khóa 1989- 1990, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh Đàng Chí Quyết đi làm giáo viên dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Văn Lâm thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Ngày đạp xe vô Phước Nam cách Bàu Trúc khoảng 10 cây số, đêm về mở lớp dạy xóa mù chữ cho thanh niên tộc họ. Nhiều người gia đình nghèo không được đến trường nay nhờ có Tkrù Quyết (Thầy Quyết) tận tâm dạy chữ, dạy làm toán, giúp anh em tộc họ thoát cảnh mù chữ. Sau gần mười năm làm giáo viên “ngoài biên chế”, đến năm 1999, anh Quyết xin nghỉ dạy về làng lập gia đình với cô giáo Châu Thị Tính giảng dạy tại Trường Tiểu học Vĩnh Thuận. Đầu năm 2006, anh được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc. Anh thấy hầu hết phụ nữ trong làng đều biết làm gốm, nhưng nhiều người không còn tha thiết với nghề do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Trước thực trạng đó, anh thường xuyên vận động bà con chung tay bảo tồn và phát triển làng nghề, gìn giữ di sản văn hóa (DSVH) cộng đồng. Là người am hiểu truyền thống quê hương, anh Đàng Chí Quyết phối hợp cung cấp thông tin cho các nhà khoa học xây dựng hồ sơ trình UNESCO chấp thuận đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh mục DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Và ngày 29/11/2022, UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử hơn 800 năm hình thành và phát triển nghề làm gốm làng Bàu Trúc được thế giới ghi nhận, vinh danh.

 Người có uy tín Đàng Chí Quyết (bìa phải) trao đổi với Người có uy tín tỉnh Gia Lai đến thăm làng gốm Bàu Trúc.
Người có uy tín Đàng Chí Quyết (bìa phải) trao đổi với Người có uy tín tỉnh Gia Lai đến thăm làng gốm Bàu Trúc.

Khu phố Bàu Trúc hiện có 669 hộ với 3.325 nhân khẩu đồng bào Chăm, khoảng 60% số hộ gắn bó với nghề làm gốm. Theo lưu truyền của cư dân địa phương, ông Pô Klong Can cùng vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm từ ngày xưa được gìn giữ phát triển bền vững đến ngày nay. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Họ đi vòng quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm đất nung cho ra sắc màu tươi son độc đáo. Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường, từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của nngười dân. Làng gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm. Nhờ nguồn thu nhập từ nghề làm gốm kết hợp làm ruộng, đời sống người dân Bàu Trúc ngày càng no ấm, bộ mặt khu phố khang trang, hiện đại.

“Bản thân tôi sinh trưởng từ Bàu Trúc nên nghề làm gốm mẹ truyền con nối thấm vào máu thịt từ lúc tuổi thơ, yêu thương sản phẩm gốm do bà, do mẹ làm ra. Với vai trò của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Bàu Trúc, tôi luôn vận động người dân làng nghề phát huy giá trị văn hóa của nghề chế tác gốm Chăm, đầu tư nâng cao giá trị thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng Bàu Trúc trở thành điểm đến thu hút du khách trải nghiệm di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm kết hợp du lịch sinh thái gắn với phát triển tuyến du lịch của huyện Ninh Phước. Qua đó, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị DSVH nghệ thuật gốm Chăm, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước như lời động viên của ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc”, anh Đàng Chí Quyết phấn khởi chia sẻ niềm vui.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.