Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Chính sách kiến tạo niềm tin và khơi nguồn động lực: Đội ngũ tiên phong, thúc đẩy phát triển cộng đồng (Bài 2)

Thúy Hồng-Lê Hường - 22:55, 08/11/2023

Sau kỳ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức năm 2017… đã tạo sức lan tỏa rộng lớn, cổ vũ động viên, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi trong lực lượng Người có uy tín, nhân sỹ, trí thức, doanh nhân người DTTS. Từ những tấm gương “người thật, việc thật” đã có sức lan tỏa, khích lệ đồng bào các dân tộc thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn tặng quà cho Người có uy tín tỉnh Lào Cai nhân dịp Đoàn đến thăm quan học tập tại Thủ đô Hà Nội
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn tặng quà cho Người có uy tín tỉnh Lào Cai nhân dịp Đoàn đến thăm quan học tập tại Thủ đô Hà Nội

Những tấm gương sáng từ cơ sở

Nhắc đến Người có uy tín Hoàng Long An, người dân trong thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn ai cũng bày tỏ sự kính phục. Đơn giản bởi hơn chục năm qua, với vai trò là Người có uy tín, ông Hoàng Long An đã tích cực vận động bà con trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mặc dù năm nay đã ở vào cái tuổi 70, nhưng ông Hoàng Long An vẫn còn rất rắn rỏi, dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cây của gia đình, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về chuyện vận động bà con người Dao trong thôn phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Long An cho biết: Nà Mò là thôn vùng cao của xã Mẫu Sơn, người dân trong thôn đều là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu chỉ trồng ngô, trồng lúa nhưng do địa hình đồi núi cao, chủ yếu là ruộng bậc thang, khí hậu lạnh nên năng suất chất lượng thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vốn là cán bộ xã nghỉ hưu nên ông Hoàng Long An luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế giúp gia đình và bà con dân bản thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Để phát triển kinh tế, ông đã đi đầu vận động người dân trồng thông và các cây trồng mới như cây hồi, cây trà hoa vàng, mác ca… Vài năm trở lại đây, nhận thấy cây trà hoa vàng vừa có nhiều công dụng lại có giá trị kinh tế cao nên ông đã mạnh dạn trồng thêm 100 gốc trà đã bắt đầu cho hoa. 

Nhận thấy ông Hoàng Long An phát triển kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả, người dân trong thôn Nà Mò đã học tập theo ông mở rộng làm kinh tế đồi rừng.

“Bản thân tôi là Người có uy tín, thường xuyên được đi tập huấn ở xã, ở huyện tôi cũng về vận động bà con phát triển những cây trồng mới năng suất, chất lượng giúp bà con trong thôn phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Bản thân tôi luôn mong có thật nhiều sức khỏe để cùng nhân dân trong thôn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới” ông Hoàng Long An chia sẻ.

Người có uy tín Hoàng Long An, thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương
Người có uy tín Hoàng Long An, thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương

Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, Người có uy tín Hoàng Long An đã nêu cao tinh trần trách nhiệm, gương mẫu, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp công, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Nhờ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như những đóng góp của ông đối với người dân trong thôn, năm 2022, ông Hoàng Long An đã được Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn biểu dương và tặng Giấy khen tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Hay như tấm gương Người có uy tín Y Đeh Ayun, ở buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã có đóng góp không nhỏ trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar được sáp nhập từ 3 buôn khác nhau trong xã, có 95% dân số là đồng bào Ê Đê sinh sống. Vài năm gần đây nhiều người dân trong thôn tháo dỡ nhà dài truyền thống để xây dựng nhà hiện đại.

Lo sợ những ngôi nhà dài truyền thống biến mất, Người có uy tín Y Đeh Ayun đã không quản vất vả, vận động đồng bào giữ lại những nếp nhà truyền thống của đồng bào mình.

“Tôi cùng ban tự quản buôn đến từng nhà bày tỏ tâm tư, chia sẻ về giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để khơi dậy niềm tự hào về cội nguồn trong mỗi người dân. Từ đó, tuyên truyền người dân giữ nếp nhà dài, cồng chiêng, trang phục truyền thống của dân tộc mình” ông Y Đeh Ayun cho biết.

Miệt mài vận động, ý thức bảo tồn văn hóa của người dân buôn Phơng ngày càng nâng cao. Đến nay buôn Phơng vẫn còn 14 căn nhà dài truyền thống, 4 bộ chiêng. Trong buôn có 20 nghệ nhân đánh chiêng, 11 nghệ nhân biết tạc tượng, 3 nghệ nhân biết sử dụng các loại nhạc cụ dân gian, 20 người biết dệt thổ cẩm và 5 nghệ nhân biết kể khan, hát dân ca. Điều đáng mừng nữa buôn vẫn còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, bà con dân tộc Ê Đê còn giữ gìn và sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ, hội, ngày quan trọng trong gia đình.

Với những thành tích tiêu biểu trong việc bản tồn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, ông được lựa chọn là một trong 15 Người có uy tín tại tỉnh Đắk Lắk được Tuyên dương Người có uy tín và nhân sĩ trí thức năm 2023.

Sau các kỳ biểu dương, tôn vinh đã tạo sức lan tỏa rộng lớn cổ vũ động viên, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi trong lực lượng cốt cán ở cơ sở. (Trong ảnh: Hội nghị biểu dương Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk năm 2022
Sau các kỳ biểu dương, tôn vinh đã tạo sức lan tỏa rộng lớn cổ vũ động viên, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi trong lực lượng cốt cán ở cơ sở. (Trong ảnh: Hội nghị biểu dương Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk năm 2022)

Lan tỏa vai trò gương mẫu, đầu tàu

Trở về từ Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ, trí thức năm 2017 với tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc - phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Vàng Văn Lùi thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai càng tích cực vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Để phát triển kinh tế, ông đã xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng. Ông cùng gia đình đã trồng được 2 loại cây trồng chính là mỡ và quế. Hiện, đồi cây mỡ 15 năm tuổi của gia đình ông đã cho khai thác, trên 2.000 cây quế đang phát triển tốt được tỉa cành lá bán... Cùng với trồng rừng ông còn nuôi 2.000 con cá rô phi, kết hợp với chăn nuôi lợn. Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng, mỗi năm, mang về cho gia đình ông Lùi khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Từ năm 2019, khi sáp nhập thôn Làng Kim, ông Vàng Văn Lùi không còn lã Người có uy tín của thôn nữa nhưng ông vẫn luôn tích cực vận động nhân dân trong mọi phong trào. “Tôi thường xuyên vận động bà con, anh em hàng xóm cùng nhau phát triển kinh tế, chủ yếu là cây lâm nghiệp. Tôi cũng nhắc nhở các gia đình có rừng chưa trồng thì mua cây về trồng và chăm sóc", ông Vàng Văn Lùi cho biết thêm.

Có thể thấy với sự quan tâm động viên, khích lệ kịp thời của Đảng Nhà nước, các cấp chính quyền, đặc biệt qua những kỳ biểu dương tôn vinh từ cấp Trung ương đến cơ sở đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ, doanh nhân tiêu biểu đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là tấm gương về bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM…

Bà BH’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk định kỳ tổ chức biểu dương tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Việc biểu dương Người có uy tín tiêu biểu không chỉ kịp thời quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ Người có uy tín mà còn phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm của Người có uy tín trong các hoạt động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng… tại địa phương. Đồng thời, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, hăng say lao động sản xuất, thắt chặt tinh thần đoàn kết các dân tộc ở cơ sở.

Người có uy tín tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi gặp mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc
Người có uy tín tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi gặp mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc

Để tiếp tục  nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo sự phấn khởi, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023.

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) căn cứ Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã chỉ đạo và xác định cần tiếp tục “Phát huy vai trò tích cực của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và “Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

“Chương trình biểu dương, tôn vinh Người có uy tín năm 2023 tiếp tục sẽ là nguồn cổ vũ, động viên đội ngũ Người có uy tín có nhiều đóng góp hơn nữa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh” ông Lưu Xuân Thủy cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.