Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Quảng Ngãi: Điểm sáng trong giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Thành Nhân - 17:45, 10/11/2023

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà đến thời điểm này Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của địa phương đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo sát sao các địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo sát sao các địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân của tỉnh Quảng Ngãi là 347,3 tỷ đồng, đạt 32,45% kế hoạch vốn giao và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (18,54%). Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình (giai đoạn 2021 - 2023) cao nhất cả nước.

Ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Tỉnh Quảng Ngãi đã rất quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan nhanh chóng triển khai khi Chương trình MTQG 1719 được phê duyệt. “Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai Chương trình một cách bài bản. Trong quá trình triển khai nếu gặp vướng mắc thì đề xuất tháo gỡ ngay, không chần chừ kéo dài thời gian. Nếu tỉnh không tháo gỡ được thì tiếp tục kiến nghị lên Trung ương. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vấn từ Chương trình MTQG 1719 của tỉnh mới đạt được kết quả như vậy”, ông Võ Phiên chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi: Chương trình MTQG 1719 rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện, với 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung thành phần. Mặc dù Chương trình triển khai từ cuối năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022, sau khi được Trung ương bố trí vốn, tỉnh mới có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, có một số nội dung lần đầu thực hiện, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản, dẫn đến sự lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh xuống còn 30,27%.

Theo đó, từ khi triển khai thực hiện Chương trình, đã có 10 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công đến nay đã đạt hơn 70% khối lượng công việc. Cùng với đó, 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện, 4 công trình chợ, 14 công trình trường, lớp học... tại các địa phương, chủ yếu là ở khu vực miền núi, được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.

Một công trình cấp nước sạch tại huyện Minh Long được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Một công trình cấp nước sạch tại huyện Minh Long được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719

Đơn cử như công trình cấp nước sạch tại thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm, huyệnTrà Bồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong sự vui mừng của người dân. Ông Hồ Văn Nhanh, ở thôn Trà Lạc chia sẻ: Trước đây, để có nước sử dụng, chúng tôi phải nối đường ống dẫn nước từ các suối ở xa về dùng. Nhưng đến các tháng cao điểm nắng nóng, nước suối khô cạn, chúng tôi phải sống trong cảnh thiếu nước triền miên. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này đến các cấp, ngành và đến nay, nguyện vọng này đã được đáp ứng. Nước sạch đã được dẫn về tận nhà để sử dụng, rất tiện lợi, người dân ai cũng vui mừng.

Còn tại xã Long Môn, huyện Minh Long, dự án Bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Làng Trê cũng đang bước vào giai đoạn “nước rút”. Qua đó, giúp địa phương sắp xếp, đưa dân cư từ các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai về nơi ở mới. Đây là công trình thuộc dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Chương trình MTQG 1719. Năm 2023, tỉnh đã phân bổ khoảng 52,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để các địa phương Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng... thực hiện các dự án ổn định dân cư, giúp người dân an cư, yên làm ă, phát triển kinh tế.

Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến sinh kế cho người dân. Trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng huyện Trà Bồng được giao gần 23 tỷ đồng triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý...

Đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã được ban hành; các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã triển khai thực hiện. 

Tuy nhiên hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang còn vướng giải ngân về nguồn vốn sự nghiệp. Theo ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi,  vốn sự nghiệp giải ngân theo hằng năm nhưng có những dự án chưa triển khai kịp, nhất là vốn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi. “Từ lúc tuyên truyền cho bà con đến khi triển khai các mô hình rồi nhân rộng thì kéo dài đến 2 - 3 năm, thậm chí 10 năm, trong khi nguồn vốn sự nghiệp chỉ giao 1 năm thì làm sao giả ngân được. Tôi đề xuất nguồn vốn sự nghiệp nên giao theo giai đoạn hay vòng đời của dự án thì sẽ hiệu quả và dễ triển khai hơn”, ông Phiên kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.