Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người đặc biệt ở trường mầm non vùng cao

PV - 09:47, 16/07/2021

Xã vùng cao Thành Sơn, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) có ngôi trường mầm non đặc biệt.

Thầy giáo Trịnh Hồng Quân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) đang cho trẻ ăn trưa tại trường.
Thầy giáo Trịnh Hồng Quân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) đang cho trẻ ăn trưa tại trường.

Bởi ở đó có tới 3 thầy giáo, trong đó có Thầy hiệu trưởng cắm bản, bám trường mỗi ngày dạy bảo, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ.

Vượt qua “định kiến”

Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) hiện có 20 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó, có 3 thầy: Trịnh Hồng Quân, Bùi Văn Bông và Ngân Văn Tùng.

Thầy Quân là Hiệu trưởng, được điều động nhận nhiệm vụ ở đây năm 2020. Tốt nghiệp khoa Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức năm 2006, thầy Quân được nhận về làm giáo viên hợp đồng ở Trường Mầm non Lương Ngoại (Bá Thước). Hơn 10 năm sau, thầy mới được biên chế chính thức vào ngành Giáo dục.

Thầy Quân chia sẻ: Khi tôi chọn nghề sư phạm mà lại là khoa Mầm non, nhiều người ngạc nhiên lắm. Ban đầu gia đình cũng phản đối kịch liệt, bạn bè, người ngoài đàm tiếu. Thế nhưng, do yêu trẻ, yêu nghề nên ai nói gì, mình cũng coi đó là chuyện bình thường. Thầy xác định dù công tác ở đâu, vị trí nào miễn sao là được cống hiến hết sức mình cho giáo dục.

Trường Mầm non Thành Sơn có 137 cháu, gồm 10 nhóm lớp. Ngôi trường này có 5 điểm, trong đó 4 điểm lẻ: Khu Eo Kén, Tà Ban, Kho Mường, Pù Luông và điểm trường chính ở bản Bán. Mặc dù, đang rất nhiều khó khăn, song nhà trường vẫn tổ chức ăn bán trú từ năm 2014 đến nay. Mỗi ngày, có khoảng 50 - 60 trẻ tham gia ăn bán trú tại điểm trường chính và khu lẻ Pù Luông. Hàng ngày, đến bữa ăn trưa, thầy Tùng dùng xe máy chở cơm vào điểm lẻ Pù Luông.

“Ngoài Pù Luông, các khu lẻ khác cách xa trường chính quá, nên không thể tổ chức cho các con ăn bán trú. Mỗi tháng, các con được Nhà nước hỗ trợ 160.000 đồng tiền ăn. Nhà trường tổ chức bữa ăn cho các con với mức 14.000 đồng/bữa. Mặc dù, số tiền ăn chưa nhiều, nhưng nhà trường vẫn cố gắng làm sao cho các con có bữa ăn tươm tất. Trong khi đó, giá cả thực phẩm ở đây khá đắt đỏ, vì người ta “ăn theo” giá chung của khu du lịch”, thầy Quân chia sẻ.

Thầy giáo Ngân Văn Tùng, Trường Mầm non Thành Sơn chuẩn bị đưa cơm vào điểm lẻ cho các con ăn bán trú
Thầy giáo Ngân Văn Tùng, Trường Mầm non Thành Sơn chuẩn bị đưa cơm vào điểm lẻ cho các con ăn bán trú

Hết lòng vì học sinh và giáo viên

Xã Thành Sơn mặc dù nằm trong vùng du lịch Pù Luông, nhưng cuộc sống của người dân ở đây đang rất nhiều khó khăn. Học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện thuận lợi như ở nơi khác. Giáo dục vì thế mà cũng vất vả theo.

Từ khi lên nhận công tác ở ngôi trường này, thầy Quân đã không quản ngại khó khăn, cố gắng làm sao cho học trò có những bữa ăn no, đủ chất và những giấc ngủ ấm áp về mùa đông, mát mẻ trong mùa nóng.

Từ sự kết nối của thầy Quân, nên tháng 12/2020, tập thể K36, Trường Đại học Dược (Hà Nội) đã về hỗ trợ cho trường 2 phòng học lắp ghép. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, thầy Quân đã đề xuất đoàn từ thiện xây dựng thành 1 phòng rộng, nâng cao mái lên thêm 1 mét, để nhà trường vừa làm phòng họp, vừa tổ chức các hoạt động tập thể cho trẻ.

Trường Mầm non Thành Sơn
Trường Mầm non Thành Sơn

Căn phòng vẻn vẹn 10m2, nằm ngay sát cổng trường là “nhà công vụ” của thầy Quân ở trường. Thầy chia sẻ, đặc thù của ngôi trường chủ yếu giáo viên là nữ. Dù có 3 thầy giáo, nhưng thầy Tùng là người địa phương và có gia đình riêng, nên buổi tối vẫn về với vợ con. Còn thầy Bông, cũng có nhà riêng ở bản, nên được bố trí dạy tại điểm lẻ cho gần gia đình. “Những hôm mưa gió, tôi phải ngủ lại trường để canh chừng nhỡ có việc gì không may xảy ra”, thầy Quân nói.

Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác ở đây, thầy Quân kể: “Lúc công tác ở Trường Mầm non Thiết Ống (huyện Bá Thước), mình cũng đã chứng kiến nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, khi lên đây nhận nhiệm vụ, thì mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của con em bà con dân bản. Hầu hết, các bé được ăn bán trú đều thích đến trường, vì bữa ăn ở trường tươm tất hơn và được chơi đùa với các bạn”.

“Thực lòng, khi lên đây công tác, lúc đầu họp phụ huynh, nhà trường cũng muốn xin bà con mỗi người hỗ trợ cho các cô giáo trông trẻ buổi trưa 1.000 đồng/buổi. Thế nhưng, khi thấy hoàn cảnh của nhiều bé quá khó khăn, nên chúng tôi rút lại ý định. Các thầy cô động viên nhau cố gắng vì trẻ. Tâm nguyện của tôi là ngôi trường này được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn, để giúp thầy, cô giáo và học trò đỡ khổ. Bởi lẽ, hiện nay diện tích đất của trường chưa đầy 600m2. Cơ sở vật chất đã xuống cấp, dụng cụ học tập còn thiếu, đồ chơi của các bé phải chất vào kho vì không có sân chơi...”, thầy Quân tâm sự.

Nhận xét về thầy Quân, ông Hà Tự Nhiên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết: “Thầy Quân mới được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ở Trường Mầm non Thành Sơn, nhưng đã phát huy được tố chất, năng lực của mình và cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách. Không những vậy, thầy Quân còn được bà con ở Thành Sơn rất yêu quý. Thầy Quân là người chịu khó học hỏi, tìm tòi về nét văn hóa của đồng bào vùng cao Thành Sơn, cũng như tự học tiếng Thái, để có thể giao tiếp với bà con dân bản”.

Trường Mầm non Thành Sơn thực sự rất khó khăn, diện tích quá hẹp. Hơn nữa, ngôi trường lại được xây dựng sát với đường giao thông, nên rất lo ngại cho sự an toàn của trẻ. Vừa qua, huyện cũng đã có quy hoạch một khu đất, để di chuyển ngôi trường này đến nơi phù hợp, rộng rãi và đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng trường mới thì phải chờ tỉnh cấp vốn - Ông Hà Tự Nhiên.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.