Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

“Nuôi em Mộc Châu” – Dự án nối dài tương lai cho trẻ em nghèo miền núi

PV - 11:35, 02/07/2021

Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộc Châu cùng với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an huyện đã ấp ủ một dự án với tên gọi thân thương “Nuôi em Mộc Châu”. Dự án này đang ngày một lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tình người, của những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng.

Áo ấm và những vật dụng cần thiết phục vụ nấu ăn cho trẻ em cũng được Dự án tặng cho các điểm trường.
Áo ấm và những vật dụng cần thiết phục vụ nấu ăn cho trẻ em cũng được Dự án tặng cho các điểm trường.

Mộc Châu là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, trẻ em ở các xã giáp biên giới hầu như không được chăm sóc đầy đủ và thường xuyên nghỉ học vì bữa đói bữa no…

Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh đến trường với bữa ăn đủ dinh dưỡng nhằm góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, biết lao động và có cơ hội thay đổi cuộc sống, chàng trai trẻ, Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộc Châu cùng với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an huyện đã ấp ủ một dự án với tên gọi thân thương “Nuôi em Mộc Châu”. Dự án này đang ngày một lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tình người, của những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng.

Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là các xã giáp biên tại huyện Mộc Châu nên mặc dù các những điểm trường ở đây đều được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, tiện nghi nhưng nhiều học sinh vẫn bỏ học giữa chừng. Tìm hiểu được biết có những xã có đến 80% người dân bị đói ăn. Đây chính là lý do khiến nhiều học sinh không thể tiếp tục đến trường hoặc nếu có đi học thì mang cơm được bố mẹ chuẩn bị sẵn từ nhà đi để ăn trưa.

Cơm mà các em mang từ nhà đi cũng chỉ là cơm trắng, thêm ít rau rừng, khi ăn chan với nước lọc có sẵn trên lớp để tiếp tục học buổi chiều. Thậm chí có gia đình còn không chuẩn bị cơm cho con mang đến lớp, nghỉ trưa là các em đi bộ về nhà cách điểm trường 3-4 km để ăn cơm trưa và nghỉ luôn, không đến học buổi chiều nữa, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Kế hoạch triển khai Dự án “Nuôi em Mộc Châu” của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện Mộc Châu do chàng trai trẻ, Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên làm chủ nhiệm Dự án đã được xây dựng, báo cáo và được sự nhất trí, ủng hộ cao trong thường vụ Đảng ủy Công an huyện Mộc Châu. Nơi triển khai đầu tiên chính là điểm trường mầm non Phiêng Cài, xã Lóng Sập. Ban đầu chỉ là ý tưởng kết nối các nhà hảo tâm để giúp một số em nơi đây có bữa cơm no để yên tâm đi học nhưng hoạt động này lại thu hút được nhiều người tham gia, hàng trăm em nhỏ đã được nhận nuôi và con số này đang ngày một tăng thêm.

Bắt tay thực hiện Dự án, Trung úy Dương Hải Anh đã cùng đồng đội của mình thu thập những thông tin cơ bản của các em học sinh gồm họ và tên, chỉ số thể trạng, số điện thoại của trưởng bản, cô giáo cắm bản, các cô giáo thuộc điểm trường và tạo thành những mã thẻ. Nhiệm vụ của Hải Anh và nhóm hoạt động Dự án là kết nối những hoàn cảnh này với các nhà hảo tâm (chính là những người nhận nuôi các bé) thông qua mạng xã hội.

Trung úy Dương Hải Anh cho biết: “Tất cả các thành viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện đã tiên phong, mỗi người nhận nuôi một trẻ, đồng thời kêu gọi những nhà hảo tâm nhận nuôi cơm trưa cho trẻ với tổng kinh phí cho 1 năm học (9 tháng) là 1.450 ngàn đồng, nghĩa là chi phí cho mỗi bữa ăn của một trẻ là 6.800đ và tiền cơ sở vật chất trong 1 năm học là 100 ngàn đồng. Các cá nhân, tổ chức có thể ủng hộ theo tháng, quý hoặc cả năm học. Nhóm thực hiện Dự án sẽ nhận trực tiếp, quản lý và phân phối số tiền hỗ trợ, thường xuyên đến thăm, kết nối giữa người nhận nuôi và trẻ được nuôi”.

Sau hơn 1 tháng triển khai Dự án, 54 em nhỏ đầu tiên ở điểm trường Phiêng Cài, xã Lóng Sập đã được hỗ trợ của Dự án “Nuôi em Mộc Châu”. Bữa ăn đã được cải thiện hơn, có đủ thịt, cá, trứng và rau xanh. CBCS Công an huyện Mộc Châu đã cùng với các cô giáo mua sắm đầy đủ các thiết bị nấu nướng như bếp điện, nồi cơm, bát, đũa… và lựa chọn đầu mối cung cấp thực phẩm an toàn. Các cô giáo ở các điểm trường ngoài công việc chuyên môn là giảng dạy thì cũng được phân công tổ chức nấu ăn trưa cho các trẻ. Hàng ngày, các phụ huynh cũng phân công nhau đến góp sức nấu cơm và dọn dẹp sau khi các con ăn xong. Không có bất cứ khoản phụ cấp nào cho công việc này nhưng ai cũng trách nhiệm, nhiệt tình.

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Thắm, giáo viên ở điểm trường Phiêng Cài phấn khởi: “Hàng tuần chúng tôi lên thực đơn cho từng ngày, ví dụ thứ 2 ăn thịt, thứ 3 ăn cá… đảm bảo ngày nào cũng có thức ăn và rau xanh, đủ dinh dưỡng cho các con. Khi các trẻ được ăn bữa ăn có thịt cá, trứng, đủ chất dinh dưỡng thì có da có thịt hơn, và các con cũng thích đi học hơn”.

Đến nay, sau 6 tháng triển khai, Dự án đã hỗ trợ nuôi được hơn 300 em học sinh mầm non thuộc 9 điểm trường ở xã biên giới Lóng Sập. Hơn 200 em ở các điểm trường mầm non xã Chiềng Sơn, xã Nà Mường, xã Quy Hướng đã được các nhà hảo tâm cam kết nhận nuôi trong năm học 2021-2022. Đã có hơn 400 nhà hảo tâm sẵn sàng ủng hộ kinh phí thực hiện Dự án. Quá trình thực hiện có sự giám sát chặt chẽ của các nhà hảo tâm, chính quyền bản, xã, và những người trong nhóm thực hiện Dự án. Mọi tình hình sức khỏe và bữa ăn của các em nhỏ đều được cập nhật đầy đủ 2 lần/ tháng.

Chị Lý Thanh Thanh, ở thị trấn Mộc Châu, một thành viên tự nguyện tham gia Dự án, cũng là người đã nhận nuôi hai em nhỏ tại điểm trường Phiêng Cài cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức công tác truyền thông để thu hút các nhà hảo tâm bằng cách kêu gọi vận động trên các trang mạng xã hội như Facebook, website về thực tế của chương trình và cập nhật liên tục các hình ảnh về các bữa ăn của trẻ, các cô giáo ở các điểm trường; tổ chức các buổi thăm em thực tế tăng độ tin cậy cho mọi người. Về cơ chế giám sát thì hàng tháng chúng tôi báo cáo tài chính, báo cáo thu, chi, kèm theo hoá đơn và đăng công khai lên mạng xã hội để các nhà hảo tâm biết số tiền họ đóng góp để nuôi các em nhỏ dùng vào mục đích gì và chi tiêu thế nào. Bản thân tôi cũng nhận nuôi hai em nhỏ và cảm thấy vui vì giúp được các em có thêm điều kiện để đi học, từ đó cơ hội thay đổi cuộc sống”.

Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Lóng Sập chia sẻ: “Khi Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đến với các điểm trường của Trường mầm non Lóng Sập mang rất nhiều ý nghĩa, đó là trẻ được ăn no và ăn ngon miệng, từ đó trẻ rất thích đi học và phụ huynh cũng rất yên tâm để đi làm không cần phải lo lắng về bữa cơm trưa cho con như mọi khi nữa. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ giảm”.

Ngoài việc nuôi cơm trưa cho các em nhỏ, Dự án “Nuôi em Mộc Châu” còn kêu gọi tặng 300 áo ấm đồng phục, 100 chăn ấm, 10 bình lọc nước công nghệ Unicef và nhiều thiết bị khác với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Riêng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện đã vận động được gần 200 triệu đồng.

Thời gian tới, Dự án “Nuôi em Mộc Châu” mong muốn kêu gọi các nhà hảo tâm nuôi toàn bộ các em nhỏ ở các xã khó khăn trên địa bàn huyện Mộc Châu và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đó là thực hiện dự án bổ trợ như tạo việc làm cho cha mẹ các bé… Đó là mong muốn cũng là mục tiêu mà Dự án “Nuôi em Mộc Châu” hướng tới với hi vọng có nhiều em nhỏ hơn nữa được nhận nuôi.

Một bữa ăn trong ngày giúp các em học sinh ở các điểm trường thuộc các biên giới với đầy đủ chất dinh dưỡng để yên tâm học tập đã là một điều vô vùng thiết thực và ý nghĩa, nhưng điều quan trọng hơn là bữa ăn này đã góp phần chắp thêm cánh cho những ước mơ của các em học sinh ở nơi vùng cao biên giới còn rất nhiều khó khăn này, khiến cho con đường đến trường của các em nhỏ dường như rút ngắn lại và con đường tới tương lai như được nối dài thêm.

Tin cùng chuyên mục
Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Với mong muốn hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào các dân tộc thiểu số có áo ấm trong mùa đông năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên vừa quyết định trao 1.000 áo ấm tặng 1.000 học sinh tại ba trường trong địa bàn hai huyện: Mường Chà và Mường Ảng, thuộc tỉnh Điện Biên.