Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người dân bản Si Văn khốn khổ vì cuộc sống tạm bợ

Vũ Lợi - Trần Sơn - 10:22, 09/09/2020

Thực hiện Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) hàng chục gia đình dân tộc Cống đã chủ động tháo dỡ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi chờ ngày ổn cư tại nơi ở mới. Tuy nhiên, sau nhiều lần di chuyển, dựng lều, lán ở tạm, cuộc sống bị đảo lộn, đến nay người dân vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để ổn định cuộc sống.

Bà Nạ Thị Đăm bên căn nhà tạm bợ được gia đình dựng cách đây gần 2 năm
Bà Nạ Thị Đăm bên căn nhà tạm bợ được gia đình dựng cách đây gần 2 năm

Khốn khổ với cuộc sống “tạm bợ”

Trong căn nhà chật chội chỉ thấp ngang đầu người của gia đình anh Quàng Văn Ðoan, người dân tộc Cống bản Si Văn, đồ đạc đáng giá nhất là mấy cái nồi nhôm nằm chỏng chơ ở góc bếp. Thấy chúng tôi người nào người ấy mồ hôi nhễ nhại, anh Ðoan hỏi: “Nóng à? Vậy mà chúng tôi ở đây đã gần 2 năm rồi đấy. Nhiều đêm nóng quá tôi ngủ luôn ở cửa chứ chẳng vào nhà”.

Những khó nhọc từ ngày dỡ nhà dịp tháng 10/2018 đến nay được anh Ðoan điểm lại: Cũng như mấy chục gia đình khác, khi nghe nhà thầu vào thông báo dỡ nhà để san gạt mặt bằng cho bản rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn thì anh Ðoan đã nhờ anh em họ hàng đến dỡ nhà, chuyển đồ sang chỗ khác. Vợ chồng anh Ðoan chọn khu đất trống dựng nhà tạm. Ðến bây giờ, đã thêm 3 lần nữa phải dựng nhà tạm mà mặt bằng vẫn chưa xong. 

Nhà bà Nạ Thị Ðăm cũng ở tạm trên cùng khu đất với nhà anh Ðoan. Nghe tiếng khách chào, bà Ðăm chỉ cười đáp lời vì không biết tiếng phổ thông. Nhờ người phiên dịch, chúng tôi được biết, nhà bà Ðăm có 6 người ở trong ngôi nhà dựng tạm khoảng 10m2. Ban ngày, trẻ con đi học, con gái và con rể bà Ðăm đi làm nương, nhà chỉ có mình bà. Công việc mỗi ngày của bà Ðăm là lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ và đi xuống bản dưới lấy nước ăn cho cả gia đình. Vì ở trên khu này không điện, không nước, không đường đi cho nên lấy nước trở thành việc chính với các gia đình. Nhà nào cũng phải lo cử người hằng ngày xuống bản dưới xách từng can nước. Những người cao tuổi như bà Ðăm cố lắm thì mỗi ngày cũng mang được khoảng chục lít nước về nhà.

Người dân chờ đến bao giờ?

Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm, có tổng mức đầu tư 5,765 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng Nam Giang là đơn vị trúng thầu thi công dự án. Ðây là 1 trong 5 dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm theo Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2011 - 2020”. Dự án nhằm tạo mặt bằng bố trí sắp xếp đất ở cho 30 hộ dân tộc Cống làm nhà theo chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống, tránh di dân tự phát, bảo tồn và phát triển người dân tộc Cống tại xã Pa Thơm.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Theo Quyết định số 1122/QĐ- UBND của UBND tỉnh Điện Biên, Dự án được triển khai thi công từ năm 2018 và hết năm 2019 phải hoàn thành bàn giao cho các hộ dân làm nhà. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số vướng mắc, nên Dự án được điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành đến cuối tháng 9/2020. Dẫu vậy, nhưng theo báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đến nay mới đạt hơn 60% khối lượng công việc.

“Chúng tôi đã mời chủ đầu tư đến kiểm tra tiến độ và làm việc. Trong biên bản làm việc chủ đầu tư cam kết hoàn thành các hạng mục đầu tư trong tháng 9/2020 này”, ông Chinh cho biết thêm.

Không chỉ chậm trễ trong thi công, Dự án công trình san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn còn đang bộc lộ những bất cập gây bức xúc trong Nhân dân. Nhiều hạng mục chưa thi công xong đã bị hư hỏng, đứt gãy, sụt lún, rãnh thoát nước bị rạn nứt và kè bảo vệ ta luy âm cũng đang bị sạt lở.

Theo Quyết định số 1122/QĐ- UBND của UBND tỉnh Điện Biên, Dự án được triển khai thi công từ năm 2018 và hết năm 2019 phải hoàn thành bàn giao cho các hộ dân làm nhà. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số vướng mắc, nên Dự án được điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành đến cuối tháng 9/2020. Dẫu vậy, nhưng theo báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đến nay mới đạt hơn 60% khối lượng công việc.”

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên