Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người dân, doanh nghiệp cần làm gì sau sáp nhập xã, huyện để không bị ảnh hưởng tới quyền lợi

Minh Nhật - 06:39, 13/08/2024

Kể từ 1/9, sẽ có thêm nhiều xã, huyện được sáp nhập với tên gọi mới hoặc giữ nguyên tên gọi. Vậy người dân, doanh nghiệp cần làm gì để không bị ảnh hưởng tới quyền lợi.

Người dân Cát Tiên tham gia khảo sát, lấy ý kiến về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện.
Người dân tham gia khảo sát, lấy ý kiến về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2023-2025, có 49 huyện được sáp nhập, sau sáp nhập dự kiến giảm 13 huyện. Với cấp xã, tổng số sáp nhập là 1.247 đơn vị, dự kiến giảm 624 xã.

Theo ước tính sẽ có hàng triệu người dân đang sinh sống trên toàn quốc (bao gồm cả các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn các xã sáp nhập) bị ảnh hưởng bởi các thủ tục hành chính.

Đơn cử như công dân sẽ có sự thay đổi về nơi sinh, quê quán, hộ khẩu thường trú, tạm trú; hồ sơ thông tin cá nhân liên quan lý lịch tư pháp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông, đất đai…. Điều này cũng tương tự với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuế, con dấu…

Liên quan đến vấn đề sáp nhập, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan như: Nội vụ, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính… căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn thực hiện với mục tiêu không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hay chuyển đổi giấy tờ.

Theo Bộ Công an, sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, Bộ Công an khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới. Bộ sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này và việc cập nhật được thực hiện miễn phí.

Chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho công dân, doanh nghiệp thực hiện thay đổi thông tin… với mục tiêu nhanh nhất có thể, không để bị gián đoạn.

Trong Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XV cũng đã quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như sau:

- Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Như vậy, sau khi sáp nhập xã huyện, người dân, doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm vì vẫn được sử dụng thông tin, giấy tờ vẫn còn hạn để giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc giao dịch, cơ quan chức năng khuyến cáo công dân, doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi thông tin, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, các thao tác thực hiện trên nền tảng số khá dễ dàng.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị.

Cuối năm 1975 và đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vào năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, cả nước có 39 tỉnh thành.

Năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh và cả nước tăng lên thành 40 đơn vị hành chính.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành; trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh, thành.

Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh, thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.

Năm 2004, nước ta tách thêm 3 tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.

Đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về thành phố Hà Nội.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.


Tin cùng chuyên mục
Luật tục trong đời sống đồng bào Tây Nguyên

Luật tục trong đời sống đồng bào Tây Nguyên

Văn hóa các DTTS ở Tây Nguyên là môi trường để hình thành luật tục, trở thành nguồn tư liệu dân gian quý giá, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa từng dân tộc. Những bài ca luật tục là minh chứng tạo nên giá trị tinh thần, có chức năng tự điều chỉnh và tự giáo dục cho các thành viên trong cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững cho khu vực Tây Nguyên.