Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Người dân "kêu trời" vì trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm

Trọng bảo - 07:20, 12/07/2022

Trang trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER, tại thôn An Khang, xã Đông An huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, với quy mô hàng trăm nghìn con lợn mỗi năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân quanh khu vực trang trại rất bức xúc, khi phải chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ khu vực chăn nuôi này.

Ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn của Công ty CP phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân
Ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn của Công ty CP phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân

Gần 2 tháng nay, người dân hai xã Đông An và An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) rất bức xúc khi phải chịu mùi hôi thối phát tán ra môi trường. Theo phản ánh của người dân, mùi hôi thối này là từ trang trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER được đặt tại thôn An Khang, xã Đông An. Tình trạng ô nhiễm này làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe người dân.

“Mùi hôi thối rất khó chịu, bao phủ trên diện rộng chứ không chỉ một vài hộ dân. Những ngày vừa qua, thời tiết oi bức mùi hôi thối càng nặng, khiến cho cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn”, ông Nguyễn Xuân Tuần ở xã Đông An cho biết.

“Chúng tôi ở bên này sông, khu trang trại chăn nuôi bên kia sông, khi hoạt động quạt gió hất ngược mùi hôi thối về phía bên này. Nhiều lúc, gia đình đang ăn cơm phải bịt mũi và bỏ bữa”, bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Trung Tâm, xã An Bình bức xúc cho biết thêm.

Không chỉ có mùi hôi thối phát tán ra không khí, mà người dân sinh sống bên bờ sông Hồng, cạnh trang trại chăn nuôi này còn phát hiện nước thải từ trang trại chảy thẳng ra sông.

“Ngay khu vực chúng tôi sinh sống cũng thấy có hai điểm xả nước thải ra sông Hồng, việc xả thải này cũng không theo giờ nhất định, có hôm thì khoảng 16 giờ chiều, có hôm thì xả tầm 18-19 giờ tối”, anh Nguyễn Văn Thắng, người dân xã An Bình phản ánh.

Trang trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp cộng nghệ cao tích hợp ANIFER, tại thôn An Khang, xã Đông An huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Với quy mô gần 32 héc ta, mỗi năm trang trại chăn nuôi khoảng trên 1 trăm nghìn con lợn, bao gồm lợn nái, lợn thịt và lợn con. Cùng với đó, trang trại sản xuất khoảng 5 nghìn tấn phân hữu cơ để trồng cây ăn quả…

“Trước những ý kiến phản ánh của người dân, UBND xã Đông An đã đi kiểm tra tại hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy, mùi hôi thối phát ra từ khu vực thu gom chất thải, xử lý thành phân hữu cơ. Tại khu vực này thì mùi hôi thối rất nhiều”, ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông An cho biết.

Được biết, mới đây UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Văn Yên và các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xem xét và xử lý các vi phạm (nếu có) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp này. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm khắc phục ngay những tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; có các giải pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân tại khu vực và các vấn đề khác có liên quan…

Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái không phải lần đầu. Trước đó, vào tháng 8/2020, báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Hoàng Vũ Lai Châu ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ. 

Theo đó, mùi hôi thối nồng nặc, bốc ra từ các chuồng nuôi lợn và các bể chứa chất thải khiến cho người dân nhiều lúc có cảm giác ngạt thở. Rất nhiều lần, khi trời mưa to, bể chứa chất thải của trang trại bị tràn ra, chảy theo nguồn nước tưới tiêu vào ao cá và diện tích gieo cấy của người dân, làm chết cá và một số diện tích lúa không thu hoạch được. Ngoài ra, hơn 1 nghìn mét vuông đất trồng chè của người dân thôn 6 cũng bị chết do ô nhiễm từ nguồn nước thải của trang trại lợn…

Ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Hoàng Vũ Lai Châu ở xã Nghĩa Lộ năm 2020
Ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Hoàng Vũ Lai Châu ở xã Nghĩa Lộ năm 2020

Thiết nghĩ, trong quá trình đầu tư sản xuất, chăn nuôi… các công ty, doanh nghiệp cần phải chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng các cơ quan ban ngành cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.