Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người Đan Lai trên hành trình hội nhập: Bản làng đổi thay (Bài 3)

Thanh Hải - 18:34, 06/09/2022

Cuộc sống của người Đan Lai ở các bản TĐC thuộc xã Thạch Ngàn, Môn Sơn (Nghệ An) đã có rất nhiều đổi mới. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành, trẻ con được học tập đầy đủ. Những hủ tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết, tảo hôn gần như được xóa bỏ. Nhiều người Đan Lai không chỉ đi ra khỏi rừng mà đã trở thành những công nhân, hội nhập với cuộc sống văn hóa mới.

Người Đan Lai ở bản Bá Hạ làm đất trồng cây trong vườn nhà
Người Đan Lai ở bản Bá Hạ làm đất trồng cây trong vườn nhà

Từng bước đẩy lùi hủ tục

Kể từ khi thực hiện đề án “giải cứu” người Đan Lai vào năm 2006 đến nay, từ chỗ chỉ có 146 hộ, qua các đợt di dân tái định cư (TĐC), hiện người Đan Lai đã tăng thêm 123 hộ, bao gồm cả 2 bản vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, bản TĐC Tân Sơn, Cửa Rào ở xã Môn Sơn và các điểm TĐC ở Thạch Ngàn.

Đến chỗ ở mới, người Đan Lai được mở rộng giao lưu với bên ngoài, có thêm điều kiện tiếp xúc với các dân tộc khác nên đã hạn chế, khắc phục được nhiều tính tự ti, ngại tiếp xúc, giảm nguy cơ hôn nhân cận huyết. Minh chứng rõ nhất là, tại các điểm TĐC ở xã Thạch Ngàn, trong 10 năm qua, đã có 10 cặp con gái Đan Lai lấy con trai dân tộc khác và 7 cặp là nam thanh niên Đan Lai lấy người dân tộc khác.

Nếu như trước đây, người Đan Lai kết hôn rất sớm, từ độ 13-14 tuổi, sinh 7-8 người con. Thì nay, chủ yếu sau 18-20 tuổi họ mới kết hôn, và quy mô gia đình thường chỉ 2-3 con. Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn Lô Thanh Huấn phấn khởi: nhận thức, tư tưởng của người Đan Lai thay đổi rõ rệt về hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tục nhúng trẻ vào nước lạnh sau sinh đã không còn. Nam nữ đến tuổi đều đăng kí trước khi kết hôn.

Hôn nhân cận huyết và tảo hôn đang dần được xóa bỏ ở các bản làng người Đan Lai
Hôn nhân cận huyết và tảo hôn đang dần được xóa bỏ ở các bản làng người Đan Lai

Một thời, vùng lõi VQG Pù Mát nơi bản làng người Đan Lai sinh sống, là chốn “lam sơn chướng khí” nên sốt rét thường xuyên xảy ra. Một thời, tục cúng tế khi có người ốm đau… được thực hiện như là phương thức chữa bệnh giữa thâm u đại ngàn. Nhưng những năm gần đây, khi cả xã hội cùng chung tay bảo tồn và phát triển người Đan Lai, thì dịch bệnh đại trà như sốt rét đã không còn. Người Đan Lai đã biết mắc màn nằm ngủ. Xung quanh nhà cửa đã phát quang sạch sẽ để xua đuổi muỗi.

Trước năm 2007, trong vùng lõi VQG Pù Mát của người Đan Lai chỉ có hai phòng học ghép tạm bợ lợp tranh thưng phên. Học sinh chủ yếu học hết lớp 3, là nghỉ học vì đi ra trung tâm xã học thì quá xa. Tôi còn nhớ một kỉ niệm về những thầy cô nơi đây đã từng vào tận bản Búng và Cò Phạt “kéo” trò trở lại trường sau mỗi dịp nghỉ hè và lễ Tết. Có em học sinh, sau khi được thầy cô đưa lên thuyền trở ra trung tâm xã Môn Sơn đi học, tuy nhiên, thuyền cách bến độ 100m, các em nhảy ùm xuống suối rồi bơi trốn vào rừng để lại thầy cô ngơ ngác đứng trên thuyền.

Nhưng nay, nhìn con số học sinh người Đan Lai theo học các cấp học mà rất đỗi vui mừng. Hiện các bản đã có lớp học được xây dựng kiên cố, khang trang; mỗi bản đều có 4-5 phòng học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. 

Ngay tại bản Búng, đang có 97 học sinh tiểu học và mầm non theo học, có 5-7 em học trường PTCS và 1 em học trường PTDT nội trú. Còn bản Cò Phạt có 30 cháu mầm non, 80 cháu tiểu học, 20 học sinh THCS và 5 học sinh đã học hết THPT.

Người Đan Lai ở bản Búng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm
Người Đan Lai ở bản Búng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm

Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông, đã luôn khẳng định trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi rằng, hủ tục lớn nhất ở người Đan Lai là hôn nhân cận huyết và tảo hôn thì nay đã giảm đáng kể. 

“Nói không còn thì chưa chính xác, nhưng mỗi năm chỉ 1-2 trường hợp mà thôi. Đặc biệt, nhận thức của người dân về sức khỏe sinh sản đã được nâng lên nhiều. Đó là sự chuyển biến, thay đổi lớn nhất trong suy nghĩ của bà con Đan Lai. Câu chuyện thất học đã được kiểm soát, tỉ lệ học sinh không được học đã không còn, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm đều qua từng năm”, ông Tùng nhấn mạnh.

Nỗ lực “đuổi” nghèo

Từ cuộc sống hái lượm, sản xuất tự nhiên, người Đan Lai đã có kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, lợn nuôi nhốt. Người dân các điểm TĐC và ngay cả các hộ còn ở vùng lõi VQG Pù Mát, đã biết sản xuất lúa nước tăng từ 1,5 đến 3 tấn/ha. Từ khai thác lâm sản theo tự nhiên, nay đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn như trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ…

Trưởng bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn Vi Văn Hiếu cho biết: Trước đây, người Đan Lai quanh năm thiếu đói; phải ăn sắn, củ nâu, măng rừng… thay cơm. Nay họ biết sản xuất lúa nước, biết trồng các loại cây nên chỉ thiếu đói chừng 5-6 tháng thôi. Cuộc sống của họ đã có điện, đường, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, học sinh được đi học đầy đủ… khấm khá hơn trước gấp nhiều lần.

Trò chuyện với ông Lô Thanh Huấn, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn được biết, người Đan Lai ở các bản TĐC đã có 13-14 người đi xuất khẩu lao động, khoảng 30 người đi làm ở các công ty ngoại tỉnh...

Người Đan Lai ở bản Bá Hạ đã biết trồng lúa nước
Người Đan Lai ở bản Bá Hạ đã biết trồng lúa nước

Trên con đường nhựa dẫn từ trung tâm xã Thạch Ngàn đến bản TĐC Thạch Sơn, là những vạt keo của người Đan Lai mới trồng. Ở các bản làng, đời sống vật chất người Đan Lai đang từng bước được nâng lên, đồng bào đã giao thương buôn bán. Ở bản TĐC Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn có hộ ông La Hồng Thám, đã biết mở cửa hàng tạp hóa buôn bán, trồng 4ha keo, chăn nuôi hơn 10 con lợn, 7 con trâu bò.

Còn bản Bá Hạ, có hộ ông Lê Văn Điệp siêng năng, chịu khó làm ăn. Hiện ông Điệp đã có 6ha keo, 6 con lợn, 11 con trâu bò. 3 người con của ông Điệp đã đi làm ăn xa. Ngay tại bản Búng, bản Cò Phạt thuộc vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát cũng đã có nhiều hộ Đan Lai mở quán bán hàng tạp hóa và thu mua măng.

Ấn tượng nhất về việc thay đổi nhận thức, tập quán và ý chí vươn lên là lá đơn của những người Đan Lai xin thoát nghèo. Cách đây mấy năm, bà La Thị Nguyệt ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn đã nộp đơn lên UBND xã xin thoát khỏi hộ nghèo.

Bà Nguyệt tâm sự: Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Ra khỏi hộ nghèo rồi không còn được hỗ trợ phân bón, giống cây, không còn được cấp gạo... Nhưng tôi muốn làm gương cho con cái. Ba đứa con gái đã lấy chồng, đứa mô cũng nghèo và mình không muốn chúng cứ nghèo mãi.

Hiện nay, nhiều diện tích lúa ở vùng lõi VQG Pù Mát đã cho năng suất 60 tạ/ha, ngô chừng 39-42 tạ/ha. Nhiều hộ dân Đan Lai đã mua sắm máy cày đa chức năng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếng máy làm đất rền vang giữa đại ngàn. Cuộc sống người Đan Lai đang ngày một đổi thay, khấm khá.

Tin cùng chuyên mục
Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ngày 31/10/2024, Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 61, nhiệm kỳ 2020 -2025. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.