Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người dân luôn tin tưởng, nghe theo Người có uy tín

Quỳnh Trâm - 11:25, 04/09/2020

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.329 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Sống trong cộng đồng, họ là những người luôn tâm huyết, tiên phong trong các hoạt động xã hội; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Người có uy tín luôn gần gũi chia sẻ, giúp đỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chính vì thế, người dân luôn tin tưởng, nghe theo Người có uy tín.

Người có uy tín ở Thanh Hóa tham khảo tài liệu nâng cao kiến thức.
Người có uy tín ở Thanh Hóa tham khảo tài liệu nâng cao kiến thức.

Tiên phong trong phát triển kinh tế

Trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), Người có uy tín luôn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Minh chứng như tại các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân... đã có hàng trăm hộ nông dân người DTTS đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên.

Tiêu biểu như ông Quách Đức Ban, dân tộc Mường, thôn Bái Gạo 1, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh. Từ khi được người dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín, ông Quách Đức Ban (62 tuổi), luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo cho gia đình; đồng thời giúp đỡ bà con.

Nhận thấy lợi thế thôn có 750ha rừng và chủ trương của Nhà nước trong việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân chăm sóc, năm 1998, ông Ban mạnh dạn nhận 10ha rừng (chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc) theo Chương trình 661 để khoanh nuôi.

“Tôi tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng qua sách, báo và các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức; đi thăm quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả trong và ngoài huyện. Bước đầu, tôi trồng ngô, sắn ở dưới chân đồi thấp, rồi trên đồi cao thì trồng keo và một số cây lâm nghiệp khác. Tận dụng dưới tán rừng, chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà, ong mật”, ông Ban kể. Với cách làm này, mô hình kinh tế rừng đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Ban hàng trăm triệu đồng/năm.

Tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng

Ông Bùi Quốc Phòng, dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc. Là Người có uy tín của thôn, ông Phòng tự nhận thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào của địa phương. Minh chứng như, để bà con hiểu và đồng lòng tham gia Chương trình xây dựng NTM, ông Phòng “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; vận động bà con góp sức người, sức của xây dựng đường giao thông thôn xóm, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục trong cộng đồng.

Với những đóng góp của ông và sự đồng lòng của bà con mà thôn Thanh Sơn đã về đích NTM. Hiện nay, thôn Thanh Sơn đang nỗ lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng thôn NTM nâng cao.

Từ năm 2011 đến nay, hằng tháng, bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa bão, ông Hà Văn Xiêm, Người có uy tín trong cộng đồng người Thái ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn lại cùng các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Tam Thanh băng rừng, vượt đèo, lội suối hơn 5 tiếng đồng hồ để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 342 ở biên giới Việt - Lào. Trong mỗi chuyến đi như vậy, ông đều phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng.

Đặc biệt, mỗi lần có cuộc họp dân bản, ông đều tranh thủ tuyên truyền để dân làng hiểu được tầm quan trọng rồi cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Không những thế, ông còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì phải báo cáo kịp thời cho Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương.

Đánh giá thêm về Người có uy tín, bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết, Người có uy tín đang là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tham gia các phong trào thi đua phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM…