Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người dân Sa Ná an cư nhưng chưa lạc nghiệp

Hồng Minh - 11:05, 14/02/2020

Hơn 5 tháng kể từ khi trận lũ lịch sử xảy ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã cuốn trôi gần như toàn bộ bản nghèo vùng biên, giờ đây, con đường vào bản Sa Ná đã được dọn dẹp, người dân thuận tiện đi lại hơn, những ngôi nhà mới mọc lên sáng bừng sức sống. Thế nhưng, bài toán đặt ra lúc này là vấn đề sinh kế để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâu dài.

Những ngôi nhà mới của người dân bản Sa Ná
Những ngôi nhà mới của người dân bản Sa Ná

Cách vị trí xảy ra lũ quét khoảng 1 km, đại công trường tái định cư cho những hộ dân bản Sa Ná đang dần hoàn thiện. Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, ông Lữ Văn Hà cho biết, ngày lũ qua đi, UBND huyện Quan Sơn đã chọn vị trí định cư mới cho người dân bản Sa Ná tại khu Poong Ngồ. Khu tái định cư rộng 5,29ha, có vị trí bằng phẳng, rừng xanh bao phủ, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kè chống sạt lở cục bộ.

Đặc biệt, công tác tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà cửa, nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai phải di dời được địa phương rốt ráo thực hiện. Chỉ sau hơn 4 tháng, 51 ngôi nhà mới đã được xây dựng, giúp bà con nơi đây an cư đón Tết Canh Tý 2020 vừa qua.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, trường mầm non, trường tiểu học, nhà văn hóa và hạ tầng giao thông khu tái định cư cũng đang được đầu tư xây dựng đồng bộ. Dự kiến tháng 3/2020, học sinh bản Sa Ná và thôn bản lân cận sẽ được học trong những phòng học mới khang trang, rộng đẹp hơn.

Nhìn chung, công cuộc an cư giúp người dân bản Sa Ná đang dần ổn định, nhưng sau an cư, bài toán sinh kế đang là vấn đề cấp thiết đặt ra với chính quyền và người dân nơi đây.

Trận lũ lịch sử đã khiến toàn bộ diện tích canh tác nông nghiệp ven suối Son bị cuốn trôi, đến nay, chỉ còn lại đất đá vương vãi ngổn ngang. 

Ông Ngân Văn Piến người dân bản Sa Ná cho biết, trước đây gia đình ông có 8 sào ruộng nương canh tác lúa, nhưng nay chưa thể khôi phục để sản xuất. Dù mỗi tháng đang được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/nhân khẩu, nhưng ông Piến cùng đồng bào ở bản Sa Ná vẫn phải cố gắng tìm kế sinh nhai để ổn định cuộc sống về lâu dài.

Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Lữ Văn Hà cho biết, bên cạnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào dân tộc khó khăn bản Sa Ná, địa phương đang tích cực phục hồi diện tích canh tác lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản ven suối Son. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lâm nghiệp và khuyến khích bà con khai hoang.

Dù vậy, theo ông Hà, đời sống sản xuất của người dân vẫn rất khó khăn. Do đó, mong muốn Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ bà con bản Sa Ná nói riêng, xã Na Mèo nói chung phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, nâng cấp hệ thống giao thông nối từ tỉnh lộ 27 vào bản Sa Ná để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương cho bản miền biên xa xôi này. 

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của cộng đồng xã hội, người dân Sa Ná sẽ cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống.

Tin cùng chuyên mục