Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xuân này ở Sa Ná

Quỳnh Trâm - 14:24, 29/01/2020

Những căn nhà xây nằm san sát; những công trình phục vụ dân sinh trường, trạm, chợ, nhà sàn truyền thống còn sáng mới; những nụ cười trở lại trên khuôn mặt các mế, các bà xuống chợ… là những gì mà chúng tôi tận mắt thấy được ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trong những ngày giáp Tết. Vùng đất mà trước đây không lâu, gần như bị xóa sổ bởi trận lũ quét kinh hoàng…

Lãnh đạo huyện Quan Sơn trồng cây tại khu TĐC cho bà con dân bản Sa Ná.
Lãnh đạo huyện Quan Sơn trồng cây tại khu TĐC cho bà con dân bản Sa Ná

Vùng đất lũ từng bước hồi sinh

Sau trận lũ, Khu tái định cư Sa Ná được chính quyền địa phương lựa chọn nằm trên đồi Pom Ngồ, cách bản cũ chừng 1km. Con đường vào bản nhanh chóng được sửa sang, ánh điện khôi phục thắp sáng bản làng... Dù trong ký ức của nhiều người dân nơi đây, chưa thể nào quên trận thiên tai kinh hoàng với những mất mát đau thương nhưng trước sự chăm lo của các cấp chính quyền và những tấm lòng của Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đã giúp đồng bào nơi đây từng bước hồi sinh, lạc quan với cuộc sống mới.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Sau khi cơn lũ quét đi qua, UBND huyện Quan Sơn đã quy hoạch khu tái định cư cho bản Sa Ná mới, với diện tích 5,2ha. Toàn bộ khu tái định cư có tổng số 51 căn nhà được xây dựng, trong đó có 19 căn nhà gạch kiên cố, và 32 ngôi nhà sàn. Địa phương cũng đã cân đối cấp cho mỗi gia đình 240m2 đất ở, có vườn trồng rau quả. Tùy mức độ thiệt hại, mỗi gia đình còn được cấp thêm 150 - 300 triệu đồng từ kinh phí của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ để dựng nhà mới. Đến nay, hầu hết các hộ đều đã về nhà mới ở khu tái định cư sinh sống.

Hơn một tuần qua, anh Hà Văn Vân (29 tuổi), người chịu nỗi đau lớn nhất khi mất đi 5 người thân trong gia đình trong trận lũ quét, đã dọn về ngôi nhà mới xây để ở. Trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố gần 80m2, có công trình phụ khép kín, nhà bếp rộng rãi. So với trước kia, căn nhà cũng đã được sắm sanh đầy đủ đồ dùng sinh hoạt từ bàn ghế, ti vi, giường chiếu mới, tủ, xoong nồi.

Dù chỉ còn một mình, anh vẫn tất bật với việc dọn dẹp, kê xếp đồ đạc. “Tết này trong gia đình chỉ còn lại một mình tôi, nhưng tôi không bị bỏ rơi vì còn có nhiều tấm lòng chia sẻ. Trước mắt tôi sẽ ổn định chỗ ở, hương khói cho bố mẹ, sau đó sẽ tìm cho mình một công việc để lo cho tương lai”, anh Vân nói.

Tương tự, trong ngôi nhà mới rộng gần 80m2, được huyện đầu tư số tiền 300 triệu đồng, ông Lương Văn Chon (52 tuổi) chia sẻ: Trải qua trận lũ kinh hoàng hồi đầu tháng 8, thật may vì có chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm giúp đỡ giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Giờ đây chúng tôi được cấp nhà mới kiên cố và an toàn để ở.

Những căn nhà mới đang được hoàn thành giúp người dân ổn định cuộc sống.
Những căn nhà mới đang được hoàn thành giúp người dân ổn định cuộc sống

Kết quả từ sự nỗ lực

Thời gian lưu lại Sa Ná, điều mà chúng tôi cảm nhận, nghe được ở hầu hết người dân nơi đây là, ở khu tái định cư này, bà con ai cũng khắc ghi, cảm động, biết ơn sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, tình cảm chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm từ nhiều nơi.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan các công trình hạ tầng, thăm hỏi những hộ dân, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đã vơi đi phần nào sự lo âu, bởi đồng bào Sa Ná giờ đây đã an cư. Ông kể, mặc dù thời gian thi công Khu tái định cư kéo dài trong điều kiện thời tiết mưa bão khắc nghiệt, nhưng trong thực tế việc thi công chỉ thực hiện không đầy 2 tháng trời, bà con đều đã được đến nơi ở mới. Các hạ tầng thiết yếu đã được các đơn vị gấp rút hoàn thành trước Tết Dương lịch 2020.

Tuy nhiên, theo ông Chủ tịch huyện, điều mà lãnh đạo huyện đang trăn trở hiện nay là vấn đề sinh kế, việc làm, đời sống cho bà con nơi đây trước mắt, cũng như về lâu dài vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện đang rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất của Nhân dân để tính toán cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện. Đồng thời, có cơ chế thu hút doanh nghiệp vào giải quyết việc làm cho bà con có cuộc sống mới ổn định.

“Xuân này, huyện tổ chức Tết vùng cao, Tết trồng cây thật đầm ấm ở Sa Ná. Huyện cũng đã cố gắng thu xếp nguồn ngân sách; vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để có được phần quà tặng cho các gia đình ở Sa Ná đón Xuân được đầy đủ hơn. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trên nền tảng bản Sa Ná đã có được như hôm nay, tôi luôn tin tưởng rằng, bà con cố gắng khắc phục, vượt qua mất mát đau thương, thắt chặt tình đoàn kết; từng bước xây dựng bản Sa Ná trở thành bản nông thôn mới”, ông Đạt cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.