Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Dao ở Bình Liêu có phong tục đón Tết sớm

Mỹ Dung - 15:23, 23/01/2023

Tết người Dao ở Bình Liêu (Quảng Ninh) diễn ra sớm hơn, khác biệt với Tết của người Kinh và những đồng bào dân tộc khác. Từ rất lâu, bà con người Dao nơi đây đã có cách tính riêng về lịch ăn Tết, cách Tết Nguyên Đán của cả nước khoảng nửa tháng – phong tục đón Tết sớm.

“Tết sớm” – Nét văn hóa độc đáo của người Dao ở Bình Liêu
Người Dao ở Bình Liêu đón Tết sớm

Ngay từ giữa tháng Chạp, nhà nhà, người người đã rộn ràng đón xuân, đón Tết. Tết sớm của người Dao nơi đây bình dị, mộc mạc mà đầm ấm, chân tình. Không khí ấm cúng, thắm tình đoàn kết thôn bản đã xua đi cái giá lạnh của thời tiết, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười sau một năm làm việc vất vả được quây quần cùng nhau đón Tết.

Hào hứng chia sẻ về điều này, bà Lý Thị Minh, một người dân xã Đồng Tâm, cho biết: “Tết của người Dao chúng tôi thường bắt đầu từ khoảng 15 tháng Chạp đến 30 tháng Giêng. Tết đến sớm hơn Tết Nguyên Đán cả nước khoảng nửa tháng, mọi người nghỉ, vui chơi thời gian dài, lấy sức tiếp tục làm việc cho cả năm chứ”.

Theo quan niệm của bà con dân tộc Dao nơi đây, quan trọng nhất và mở màn cho phong tục đón Tết sớm bắt đầu từ nhà trưởng họ (nhà tổ) rồi mới về từng nhà riêng tổ chức sum vầy. Từ rằm tháng Chạp trở đi, tùy theo dòng họ sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ - nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao. Mỗi gia đình khi đến ăn Tết sớm sẽ mang theo lễ vật, tiền để cùng nhau tổ chức đón Tết.

Mâm cỗ cúng của đồng bào dân tộc Dao rất đơn giản, là những nông sản bình dị mà nhà nuôi, trồng được: gà, thịt lợn, bánh dày, bánh chưng, rau xào, cơm,...Chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tại nhà tổ, mỗi người được phân công, sắp xếp công việc cho phù hợp. Thông thường, chị em phụ nữ nấu cơm, nhặt rau, chế biến gia vị, làm các món ăn truyền thống; cánh đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì giã bánh dày, mổ lợn, mổ gà; người già thì giúp thầy cúng cắt vàng mã, sắp xếp đồ lễ…

Mâm cỗ cúng của người Dao khá đơn giản, là những nông sản bình dị
Mâm cỗ cúng của người Dao đơn giản, được làm từ những nông sản bà con thường dùng

Chia sẻ thêm về điều này, anh Chíu Vằn Sình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Tâm nói: “Mọi người quan niệm, mình đã mời tổ tiên xuống giúp bảo vệ nhà cửa, mùa màng trong một năm (thực hiện ở nghi lễ đầu năm mới), thì đến cuối năm thì phải có lễ tạ ơn. Sau khi tổ chức ăn Tết chung tại nhà tổ thì các gia đình trong dòng họ mới được về chuẩn bị đón Tết ở nhà riêng của mình”.

Xong Tết sớm tại nhà tổ, thầy cúng được từng gia đình mời riêng về nhà, đại diện cho gia chủ báo cáo những việc đã làm trong năm qua, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho các thành viên trong dòng họ và cầu cho năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau khi làm lễ xong, chủ nhà đem vàng tiền hoá cho tổ tiên, lễ vật được mang xuống bày ra mâm cho con cháu cùng hưởng lộc.

Ông Chíu Văn Tài, một trong những già làng của xã Đồng Văn, Bình Liêu còn không quên giới thiệu thêm: “Ngoài việc lo thắp hương cúng gia tiên, thì mỗi gia đình người Dao Thanh Y chúng tôi cứ vào dịp lễ, Tết, nhất là Tết Nguyên đán, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất trong nhà với mong muốn được mời Bác về đón Tết chung vui với dân làng”.

Bên bếp lửa hồng, những người dân bản Dao miền núi biên giới Bình Liêu lại cùng nhau quây quần bên gia đình, họ hàng, làng xóm. Họ gửi gắm trong đó không chỉ là những mong ước đầu xuân mới, hy vọng về cuộc sống đổi thay sung túc, tiến bộ hơn mà còn chứa đựng cả tình yêu, niềm trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống quê hương.

Những năm gần đây, mặc dù có sự tiếp thu, giao thoa, hội nhập văn hóa từ các dân tộc khác, nhưng người Dao ở Bình Liêu vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. "Tết sớm" từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, mang vốn riêng có của con người Dao trên vùng đất biên cương này.