Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người "đỡ đẻ" cho rùa biển

T.Nhân-H.Trường - 18:50, 06/10/2023

Thời gian qua, người dân làng chài xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, (Bình Định) rất vui mừng phấn khởi vì ở bãi biển thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải xuất hiện rùa lên bãi đẻ trứng và có rùa con ra đời. Điều kỳ diệu này xảy ra, tất cả là nhờ vào tình yêu động vật, thiên nhiên với việc tận tâm, "đỡ đẻ" cho rùa của anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng và những thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xã Nhơn Hải. Cho dù bất cứ thời gian nào, hễ nghe tin ở đâu có rùa lên bờ đẻ trứng, anh Sáng lại tức tốc lên đường để đến hỗ trợ "đỡ đẻ".

Chính quyền địa phương quy hoạch khu bãi đẻ tạm cho rùa biển sinh sản
Chính quyền địa phương quy hoạch khu bãi đẻ tạm cho rùa biển sinh sản

Lên Youtube học cách “đỡ đẻ” cho rùa

Đang ăn dở bữa cơm, anh Sáng nhận được điện thoại của người dân báo về việc phát hiện có ổ trứng rùa đang nở ở khu vực Mũi Cồn (Hòn Khô, xã Nhơn Hải), anh bỏ chén cơm xuống bàn rồi tức tốc đến nơi có rùa đẻ… Đây không phải là lần đầu tiên mà anh Sáng nhận được thông tin như vậy. Gần 5 năm qua, anh và cộng sự đã nhiều lần tận tay “đỡ đẻ” cho nhiều lứa rùa biển.

Dù có hẹn trước, nhưng chúng tôi phải chờ anh Sáng khá lâu mới gặp được. Anh bảo, lúc trưa đang nằm ngủ, thì một số du khách bên Hải Giang gọi đi kiểm tra vì phát hiện một số dấu vết giống dấu chân rùa lên bờ tìm chỗ đẻ. “Hải Giang cách Hòn Khô không xa, nhưng mình phải lần theo dấu vết của rùa, để xem là dấu chân mới hay cũ, từ đó có cách hỗ trợ cho rùa sinh sản một cách tốt nhất”,  anh Sáng mở đầu câu chuyện.

Nhiều năm lần theo dấu vết để hỗ trợ rùa biển sinh sản, anh không nhớ hết những kỷ niệm buồn vui với công việc này. Bởi đối với anh, hễ khi nghe người dân hoặc du khách gọi điện thông báo, có rùa lên bờ đẻ là anh tức tốc đến ngay. Có những lúc, sau cuộc  điện thoại, anh chạy đến nơi tìm kiếm xung quanh kỹ càng nhưng không phát hiện được gì. Nếu đến nơi phát hiện được ổ trứng rùa, lúc ấy tâm trạng anh như “vớ được vàng”.

Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh Sáng, đó là lần đầu tiên làm “bà đỡ” cho rùa biển. Đó là một đêm cuối tháng 6/2021, lúc đó anh đang ăn cơm tối cùng gia đình, thì có người dân gọi điện báo phát hiện một con rùa xanh, có kích thước gần một mét, nặng khoảng 60 kg đang vào bờ đẻ trứng. Anh bỏ dở chén cơm xuống bàn, tức tốc đến bãi Mũi Cồn, thì phát hiện một ổ gần 100 trứng rùa.

Anh Sáng trong một lần “đỡ đẻ” cho rùa biển
Anh Sáng trong một lần “đỡ đẻ” cho rùa biển

Theo anh Sáng, ổ trứng rùa thường nằm ở mép biển, nguy cơ trứng bị hư rất cao. Do đó, ngay sau khi phát hiện, anh cùng một số người khác nhanh chóng đưa trứng rùa đến khu vực an toàn. Theo tính toán của anh, khoảng 62 ngày sau, thì các trứng rùa nở. Trong 98 trứng rùa nói trên, nở được 67 rùa con, tuy nhiên có một số con chết ngạt khi ngoi lên mặt đất, do đó chỉ còn 56 con được thả xuống biển.

“Cảm giác của mình lúc đó rất sung sướng, không có gì có thể tả nỗi cảm giác hạnh phúc. Ngày chúng mình đưa hết những chú rùa con xuống biển cũng đã quá 1 giờ sáng, nhưng không ai cảm thấy mệt cả. Mọi người chỉ tiếc là có nhiều trứng rùa bị ung không nở được, rồi một số rùa con bị ngạt khi ngoi lên mặt đất” anh Sáng kể.

Như “có duyên” với việc hỗ trợ rùa biển sinh sản, những lần sau đó, anh Sáng cũng  nhận được những tin báo từ người dân rồi nhanh chóng đến địa điểm có rùa đẻ trứng. “Rùa thường lên bờ đẻ trứng lúc ban đêm, nên khi có phát hiện là tôi chạy đến ngay, phòng trường hợp có trứng rùa bị nước biển cuốn trôi đi. Anh em thường thức canh rùa nở đến tận sáng là chuyện bình thường” anh Sáng nói.

Nhiều lần khác, anh cùng một số người trong Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhơn Hải đã trực tiếp có mặt tại khu vực có rùa đẻ trứng, đưa những ổ trứng đến nơi án toàn. Như đêm 7/8/2021, anh chứng kiến rùa dài gần 1m, nặng khoảng 82 kg lên bờ sinh nở. Ổ trứng rùa lần này có tổng 92 trứng. Sau đó, anh cùng những người khác đã di dời đến nơi an toàn tại khu vực bãi biển Nhơn Hải. Một tháng sau đó, anh tiếp tục phát hiện và hỗ trợ một con rùa nặng khoảng 79kg, dài 93cm lên bờ đẻ trứng. 92 trứng của rùa mẹ được các anh di dời đến nơi an toàn.

Anh Sáng đánh dấu chỗ rùa biển từng lên đẻ trứng
Anh Sáng đánh dấu chỗ rùa biển từng lên đẻ trứng

Khi được hỏi anh có kinh nghiệm nào trong việc hỗ trợ sinh sản cho rùa biển, anh Sáng thành thật: “Lúc đầu thì cứ làm theo những gì mình biết, chỉ mong làm sao để đưa được trứng rùa đến chỗ an toàn, xa nơi có sóng đánh vào vì dễ cuốn trôi trứng rùa. Sau lần đó, tôi lên Youtobe để học cách quan sát dấu vết của rùa lên bờ đẻ trứng, rồi học xem cách đưa trứng đến nơi an toàn, cách ấp trứng; việc thả các chú rùa con về biển như thế nào cho đúng cách”, anh Sáng cười và cho biết thêm, cứ làm nhiều lần sẽ thành thói quen.

Không vì cơm áo, gạo tiền

Theo anh Sáng, các anh làm việc này xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, môi trường sống nên cần phải có trách nhiệm để bảo vệ những loại động vật quý. Anh là thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xã Nhơn Hải, cũng là một trong lực lượng cốt cán bảo vệ rạn san hô ở khu vực biển Hòn Khô, nên ý niệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài thuỷ sản ven bờ luôn thường trực trong anh.

Anh Sáng cho hay, hiện nay Nhơn Hải đang phát triển mạnh về du lịch, do đó du khách kéo về rất đông cũng tạo “áp lực” lên việc sinh sản của loài rùa biển. Chính vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền du khách và người dân tăng cường bảo vệ rạn san hô, các anh cũng không quên nhắc du khách, cần có ý thức bảo tồn rùa biển. Đơn giản như việc, khi phát hiện rùa mắc lưới hoặc rùa lên bờ đẻ, thì báo ngay cho lực lượng chức năng để có biện pháp hỗ trợ rùa.

Mọi năm, rùa thường lên bãi biển Hòn Khô để sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9. Nhưng trong năm nay, bắt đầu từ tháng 3 là đã có rùa lên bờ đẻ trứng. “Rùa mẹ thường lên bãi đẻ vào ban đêm, bởi chúng không ưa tiếng ồn, nhất là có nhiều người tập trung. Sau khi tìm được vị trí thích hợp, rùa mẹ sẽ dùng chân sau đào ổ, mỗi ổ sâu khoảng 80 cm. Rùa mẹ thường đào nhiều ổ để “nguỵ trang” phòng trường hợp ổ trứng bị tấn công. Rùa mẹ đẻ trứng trong vòng vài chục phút đến một giờ đồng hồ, mỗi lần rùa đẻ khoảng 80 đến 100 trứng. Sau khi đẻ trứng xong, rùa mẹ dùng chân hất cát để phủ lên trứng” anh Sáng chia sẻ thông tin

Rùa biển lên bờ đẻ được lực lượng chức năng phối hợp với Tổ cộng động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nhơn Hải hỗ trợ
Rùa biển lên bờ đẻ được lực lượng chức năng phối hợp với Tổ cộng động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nhơn Hải hỗ trợ

Cũng theo anh Sáng, đó là những rùa mẹ may mắn lên bờ đẻ và được phát hiện kịp thời để đem trứng đến chỗ an toàn. Cũng có nhiều lần, người dân phát hiện có trứng rùa trôi nỗi ở dọc biển, khi chúng tôi đến vớt lên thì hầu hết trứng đã hư hỏng, tiếc lắm. Vì thế, để tạo sự yên tĩnh cho rùa lên bờ sinh sản, chính quyền địa phương phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Bình Định khoanh vùng bãi đẻ cho rùa ở khu vực bãi biển trước Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch xã Nhơn Hải, cho biết: Những năm gần đây, do rùa thường lên khu vực này để đẻ trứng, nên xã đã xin chủ trương của UBND TP. Quy Nhơn, khoanh vùng tạo bãi đẻ cho rùa biển tại khu vực bãi biển trước Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải, với diện tích khoảng 9.000 m2. Việc hỗ trợ cho rùa biển sinh sản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái thuỷ sản ven bờ.

Dẫn chúng tôi đến bãi đẻ của rùa biển, anh Sáng cho biết, khu vực này ít người dân tập trung, khá yên tĩnh nên hi vọng có thể hỗ trợ tốt cho rùa lên sinh sản. Chính quyền địa phương cũng đặt biển báo cấm tập trung gây ồn, và bên trong khu vực này đặt nhiều hốc đá để rùa biển dễ dàng tìm thấy ổ đẻ. Cũng như việc bảo vệ những rạn san hô ở Hòn Khô, lặn vớt rác dưới đáy biển của anh và nhóm đồng đội, việc “đỡ đẻ” cho rùa biển cũng xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, muốn bảo vệ những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.


Tin cùng chuyên mục
Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Tuổi cao, sức yếu, đôi chân đã mỏi, đôi tay không còn nhanh nhẹn, nhưng Nghệ nhân ưu tú Y Ber (dân tộc Ba Na – nhánh Jơ Lơng) ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn đang miệt mài giữ nghề làm gốm. Trăn trở lớn nhất của bà hiện nay là, nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na đứng trước nguy cơ thất truyền.