Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Người giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào Dao ở Làng Nhà

Hồng Phúc - Minh Đoàn - 08:06, 13/11/2022

Đi đến đầu thôn Làng Nhà, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tìm căn nhà treo tấm biển trước cổng “ông Diên rèn dao, sửa dao, cuốc các loại” là đã tới được lò rèn đặc biệt tồn tại từ lâu đời của gia đình ông Lý Ngọc Diên. 70 năm theo đuổi nghề rèn, nhờ đó những bí quyết riêng có trong nghề rèn nông cụ của người Dao được truyền lại đến ngày nay.

Những sản phẩm của lò rèn Lý Ngọc Diên. Ảnh: Minh Đoàn
Những sản phẩm của lò rèn Lý Ngọc Diên. Ảnh: Minh Đoàn

Trong âm thanh leng keng..., leng keng..., phập phù..., phập phù...của tiếng đập giũa, rèn dao nhịp nhàng hòa lẫn tiếng khò khè của bệ thổi đều đặn, chúng tôi gặp được chủ nhân lò rèn Lý Ngọc Diên có khuôn mặt hiền từ phúc hậu, đôi mắt sáng, dáng người dong dỏng với mái tóc bạc. Lúc chúng tôi đến, ông Diên vẫn đang chăm chú, miệt mài bổ từng nhịp búa vào thanh sắt uốn nắn thành con dao. Với động tác điêu luyện, những nhát búa gọn gàng, dứt khoát. Những tưởng đây là một thanh niên sung sức chứ không phải một ông cụ đã 79 tuổi.

7 tuổi, ông Diên đã làm quen với giũa, rèn, bệ thổi. Bởi khi còn là một cậu bé, theo cha mẹ đi nương, ông đã biết dao, rìu, cào, cuốc, nhắp cắt lúa... có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào Dao.

Ông Diên chia sẻ: “Sự tỉ mỉ, khéo léo đều có thể được rèn luyện qua quá trình làm nghề song yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nghề rèn là người thợ rèn phải có sức khỏe tốt. Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, lực búa giáng xuống thanh thép phải đều nhau; độ mạnh yếu biến hóa với từng phần của sản phẩm.Gia đình ông Diên là một trong số ít hộ người Dao trong thôn còn gìn giữ nghề rèn truyền thống. Ngày ông còn trẻ, cả vùng An toàn khu (ATK) Tuyên Quang chỉ có mỗi gia đình ông biết làm rèn. Có thời gian, ông Diên bỏ nghề tham gia làm công tác chính sách cho UBND xã, không có thời gian đỏ lửa, cùng với đó, nguyên liệu sắt khan hiếm, đắt đỏ khó mua.

Ông Diên tâm sự:“Tôi theo nghề này, khổ cực từ bé, thế nên cũng có nhiều người quý tay nghề. Suốt cả cuộc đời, có nhiều lúc tôi muốn bỏ hẳn nghề vì không kiếm được cơm. Dao, cuốc rèn thủ công làm ra không cạnh tranh với hàng công nghiệp đại trà bán đầy ngoài chợ. Trong khi đó, thị trường dần ưa sản phẩm rẻ, không cần bền cho nên nghề rèn cứ thoi thóp. Thế rồi, nông cụ cũng dần không dùng đến, đất đai ít đi nên nghề rèn không giữ mãi được”.

Người "thổi" tình yêu vào lò rèn 1
Ông Lý Ngọc Diên luôn tâm niệm, dù khó khăn thế nào vẫn phải giữ cho bằng được nghề rèn gia truyền do cha ông để lại

Thời gian lò rèn nguội lạnh, nhưng thỉnh thoảng người dân quanh vùng vẫn mang con dao, cái cuốc, cái cào cũ đến nhờ ông Diên sửa chữa. Cứ mỗi lần động vào, thứ kim loại ấy như có ma lực, trong ông Diên lại càng trào lên khao khát khôi phục nghề rèn. Ghi nhớ lời ông nội và bố ngày trước còn sống có dặn, dù khó khăn thế nào vẫn phải giữ cho bằng được cái nghề rèn gia truyền này. Nghề có thể không làm giàu được, nhưng phải yêu quý và có trách nhiệm gìn giữ nó. “Nghề đã ngấm vào máu thịt tôi nên không thể quên được”, ông Diên nói.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, năm 2014, ông Diên quyết định nhóm lại lửa lò rèn của gia đình. Ông lại mê say với từng nhát búa đập, từng động tác giũa mài, tắm lửa. Những con dao đẹp, cái cuốc, cái xẻng thuận với tầm tay người dùng cũng cứ thể được ra lò.

Lòng yêu nghề truyền thống ông cha của người đàn ông sắp 80 tuổi đã được đền đáp. Nếu như trước đây, lò rèn của ông chỉ đỏ lửa vào dịp mùa xuân thì nay hoạt động quanh năm, ngoài sản xuất phục vụ nhu cầu gia đình còn bán tại các chợ phiên trên địa bàn như: Phiên chợ xã Trung Sơn, xã Hùng Lợi, xã Kim Quan… loại cao tiền ông Diên bán với giá 250 nghìn đồng/con, loại nhỏ 50 nghìn đồng/con.

Để giữ gìn nghề rèn của người Dao ở xã Kim Quan, ông Diên đã vận động bà con người Dao trong thôn gây dựng lại nghề truyền thống, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng homestay để khách du lịch vừa có thể trải nghiệm nghề rèn của người Dao vừa mua sắm các sản phẩm. Không khí thôn Làng Nhà ngày càng náo nhiệt không chỉ bởi những lò rèn đỏ lửa mà còn bởi những bước chân du khách khắp nơi đến khám phá nghề truyền thống của đồng bào Dao.

Tin cùng chuyên mục
Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tỷ lệ lao động (LĐ) chưa qua đào tạo còn cao, là rào cản lớn trong việc cải thiện việc làm, thu nhập ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh thị trường LĐ ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, bên cạnh mở rộng quy mô để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì cũng cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.