Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ lửa âm nhạc dân tộc Lô Lô

Kim Anh - 22:33, 20/05/2022

Ở tuổi 65, Nghệ nhân Là Sè Páo (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vẫn ngày đêm miệt mài tìm cách bảo tồn và truyền dạy âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông Là Sè Páo còn được mệnh danh là “bảo tàng sống” về văn hoá của dân tộc Lô Lô.

Nghệ nhân ưu tú Là Sè Páo thổi khèn trong ngày vui vào nhà mới. (Ảnh: Đức Ninh)
Nghệ nhân ưu tú Là Sè Páo (bên phải) (Ảnh: Đức Ninh)

Mê dân ca, dân vũ

Những ngày này, ghé thăm thôn Đoàn Kết (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), du khách không khỏi bất ngờ trước khung cảnh thiên nhiên ban tặng. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất với những ngôi nhà trình tường, lợp ngói âm dương, phía trước là bờ rào đá mang đậm bản sắc của dân tộc Lô Lô thu hút, níu chân nhiều người.

Tìm hiểu kỹ hơn về dân tộc Lô Lô, người trong xã Sủng Là đều nhắc đến tên ông Là Sè Páo (thôn Đoàn Kết). Ông được phong danh là “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc Lô Lô với những tâm huyết, trăn trở tìm cách bảo tồn và truyền dạy âm nhạc cho thế hệ trẻ.

Dáng người nhỏ nhắn, da hơi sạm đen vì sương gió, khuôn mặt đôn hậu, ông Là Sè Páo kể, tuổi thơ của ông sinh ra và lớn lên rồi gắn bó với cao nguyên đá Đồng Văn, gắn với những phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. "Văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô từ đời các cụ ngày xưa truyền lại có hát dân ca. Dân ca của người Lô Lô thường có 2-3 giai điệu, chủ yếu và 5 bài múa truyền thống", Nghệ nhân ưu tú Là Sè Páo cho biết.

Ông Páo yêu những làn điệu dân ca, dân vũ trong không khí âm nhạc vui tươi, bên những cây khèn, nhị, hồ, thanh la và những điệu múa sạp truyền thống của dân tộc. Người Lô Lô có thể hát, múa ở khắp mọi nơi, trên khoảng sân trước nhà, trên nương rẫy, hát trong các lễ hội tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa, hát khi xuống chợ phiên, hát trong lễ cưới… Từ khi lên 10 tuổi, ông đã được những người già làng truyền dạy cho cảm thụ âm nhạc, âm thanh của tiếng sáo cùng với những làn điệu múa của quê hương.

Đồng bào Lô Lô ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn tiến hành nghi lễ cầu mưa (Ảnh minh họa)
Đồng bào Lô Lô ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn tiến hành nghi lễ cầu mưa (Ảnh minh họa)

Sau này, ông Páo tham gia vào việc truyền dạy những kiến thức về âm nhạc dân tộc cho học sinh. Ông cũng là Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian của xã Sủng Là. Với đồng bào nơi đây, âm nhạc là sự chân thành, là một phần sinh hoạt không thể thiếu trong những hoạt động lớn của  dân tộc Lô Lô.

“Trong đám ma của người Lô Lô, những điệu hát mo đưa đường, tiễn người quá cố về thế giới bên kia vẫn được cất lên. Chính vì vậy, trong các cuộc họp sinh hoạt câu lạc bộ, tôi luôn cố gắng hướng dẫn bà con tìm hiểu và gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây”, ông Páo nói.

Tâm huyết bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc 

Với niềm say mê, tình yêu mãnh liệt với văn hóa dân tộc mình, ông Páo là người tham gia rất nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng. Không để những nét văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô bị mai một, trong suốt 4 năm qua, ông Páo tham gia giảng dạy, hướng dẫn truyền dạy nghề cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sủng Là. Thông qua đó, các em học sinh không chỉ được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, giải trí mà còn được tìm hiểu về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Ông Là Sè Páo là một trong 3 nghệ nhân tiêu biểu tại Hà Giang vinh dự tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Ông Là Sè Páo là một trong 3 nghệ nhân tiêu biểu tại Hà Giang vinh dự tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.

“Một năm tôi dạy các cháu vào 2 đợt, 2 tháng đầu năm và 2 tháng cuối năm. Các hoạt động văn nghệ được truyền dạy chủ yếu là nhảy múa sạp, nhảy múa võ nhị và thổi sáo. Trong quá trình dạy, các cháu học sinh đều học tập hăng say và yêu thích môn học này. Tôi phải tìm hiểu và lựa chọn hình thức truyền dạy sao cho dễ hiểu và đúng phương ngữ của các cháu”, ông Páo nói.

Mới đây, trong “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Là Sè Páo có cơ hội cùng trao đổi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng  về những nét văn hoá của đồng bào dân tộc Lô Lô.

Ông bày tỏ những trăn trở về văn hóa truyền thống của các DTTS ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đang bị mai một dần theo thời gian và sự ảnh hưởng ồ ạt từ các luồng văn hóa khác. Ông Páo cho rằng, những già làng, những người có trách nhiệm cần phải thường xuyên tuyên truyền, giữ gìn nét đặc sắc của văn hoá dân tộc Lô Lô tới thế hệ trẻ. Cùng với đó là các hình thức sinh hoạt để nét văn hoá có sức sống trong chính cộng đồng của mình trong cuộc sống hiện đại.

Ông Là Mí Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là cho biết, ông Là Sè Páo là một trong những người dày công, dành nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn truyền thống văn hoá của cộng đồng dân tộc Lô Lô. Ông Páo dành nhiều thời gian, truyền dạy văn hoá, văn nghệ cho thế hệ trẻ cũng như tạo sức sống cho các hoạt động phong trào.

“Ông Là Sè Páo luôn nhắc nhở thế hệ trẻ dân tộc Lô Lô về tầm quan trọng văn hóa dân tộc, cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt là ngôn ngữ và chữ viết, trang phục truyền thống của người dân tộc Lô Lô”, ông Kha thông tin.

Với những cống hiến trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân tộc, ông Là Sè Páo được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen là Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020 và Giấy khen của UBND huyện Đồng Văn trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2017.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.