Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người "giữ lửa" nghề truyền thống ở làng Phung

Thùy Dung - 12:26, 10/10/2021

Thời gian qua, sản phẩm nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn đã gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các sản phẩm vải dệt công nghiệp, nay lại càng khó hơn khi có dịch bệnh Covid-19. Trong điều kiện khó khăn đó, có những người thợ vẫn kiên trì “giữ lửa” nghề truyền thống. Chị Pel (dân tộc Gia Rai, Chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm ở làng Phung (xã Biển Hồ, TP.Pleiku, Gia Lai) là một tấm gương như thế.

Chị Pel (bên trái) và chị Dui đang giới thiệu về về bộ váy áo truyền thống của người Gia Rai
Chị Pel (bên trái) và chị Dui đang giới thiệu về về bộ váy áo truyền thống của người Gia Rai

Hơn nửa đời người gắn bó với khung cửi

Trong căn nhà nhỏ của mình ở giữa làng Phung, chị Pel dành riêng một góc nhỏ để trưng bày các sản phẩm nghề dệt thủ công truyền thống. Một chiếc tủ kính chị dùng để xếp các bộ trang phục như váy, áo, khố,… và những phụ kiện nhỏ như túi xách, hộp kính và túi bút để khách hàng tiện lựa chọn. Phía trong, chị tận dụng không gian xung quanh nhà để treo từng tấm vải thổ cẩm với màu sắc bắt mắt và một chiếc máy may phục vụ cho việc may trang phục.

Nói về cái duyên gắn bó với nghề dệt truyền thống, chị Pel bộc bạch, nghề dệt của người Gia Rai thường do mẹ truyền dạy cho con gái trong nhà. Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, hơn 10 tuổi, chị đã được mẹ truyền cho tình yêu với sợi chỉ, khung dệt. Khi lớn lên, chị học hỏi thêm những người lớn tuổi những bí quyết riêng để dệt được những tấm thổ cẩm đẹp từ cách phối màu đến trang trí hoa văn, tạo nên những bộ trang phục tinh tế, bắt mắt.

“Họa tiết trên trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định bộ trang phục đẹp hay xấu. Họa tiết càng cầu kì, mất nhiều thời gian sáng tạo thì giá trị bộ trang phục càng cao. Ngoài việc dệt họa tiết, hoa văn, để thiết kế thành những bộ trang phục bằng thổ cẩm cũng mất rất nhiều công đoạn. Vì vậy, giá thành mỗi bộ trang phục cũng khá cao (từ 600.000-1.700.000 ngàn đồng/bộ”, chị Pel cho biết.

Khách hàng xem, lựa chọn sản phẩm thổ cẩm của Chị Pel
Khách hàng xem, lựa chọn sản phẩm thổ cẩm của Chị Pel

Nhờ có tay nghề cao, các sản phẩm dệt của chị Pel đã được nhiều người trong làng và người dân các huyện lân cận như Chư Sê, Ayun Pa,… đến tìm mua. “Thường vào tháng 11, 12 sẽ bán được nhiều trang phục thổ cẩm nhất. Lúc này, người dân đã thu hoạch xong nên có thời gian và tiền đi sắm đồ”, chị Pel kể.

Nỗi lo mai một nghề truyền thống

Vừa giỏi nghề lại nhiệt tình, xông xáo, năng nổ, chị Pel đã tập hợp chị em trong làng thành lập “CLB dệt thổ cẩm làng Phung”. Hơn 20 năm nay, với vai trò Chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm, chị Pel luôn hết lòng hướng dẫn, chỉ dạy cho chị em nâng cao tay nghề và tìm đầu ra cho các sản phẩm dệt.

“Đối với những chị em muốn tham gia vào CLB dệt thổ cẩm để học nghề dệt, mình đều chỉ dạy tận tình. Khi có khách đặt hàng số lượng lớn, mình chia đều cho các chị em cùng làm để có thêm thu nhập, trang trải cho sinh hoạt gia đình”, chị Pel bộc bạch.

Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covd-19, đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các thành viên trong CLB cũng “rơi rụng” dần. Những ngày đầu mới thành lập, CLB có tới 52 thành viên chính thức, nhưng nay chỉ còn 20 thành viên.

Theo lời chị Pel,  “Một số người có tay nghề không còn mặn mà với nghề dệt vì khó khăn về đầu ra. Để làm ra sản phẩm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, trong khi giá mua nguyên liệu khá cao, sản phẩm làm ra không bán được sẽ khó quay vòng vốn. Bản thân tôi vẫn miệt mài giữ nghề nhưng nhiều chị em thì không có được sự đam mê và kiên nhẫn như vậy. Vì vậy, tôi rất lo nghề dệt của làng sẽ bị mai một”, chị Pel bộc bạch.

Trăn trở lớn nhất đối với các thành viên trong CLB dệt thổ cẩm làng Phung là khó tìm được đầu ra cho các sản phẩm
Trăn trở lớn nhất đối với các thành viên trong CLB dệt thổ cẩm làng Phung là khó tìm được đầu ra cho các sản phẩm

Bà Đinh Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ cho biết: Hiện nay, UBND xã đã có những giải pháp để phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó, xây dựng các mô hình làng văn hóa du lịch tại 2 làng đồng bào DTTS sinh sống với mục đích phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như trang phục, cồng chiêng, múa xoang… Từ đó, giúp người dân giới thiệu được văn hóa đến với du khách, đồng thời đưa các sản phẩm như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu ghè,… ra thị trường nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống và tạo động lực cho các nghệ nhân giữ gìn các nghề truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.