Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Amí Minh- Người hết lòng vì thổ cẩm

Xuân Hòa - 17:18, 17/08/2021

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 10 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ. Đó là kết quả của thời gian dài học nghề, truyền dạy nghề truyền thống, nhất là nghề dệt may thổ cẩm.

Hằng ngày, chị Amí Minh vừa may vừa thiết kế hoa văn
Hằng ngày, chị Amí Minh vừa may vừa thiết kế hoa văn

Nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có từ lâu đời, nhưng theo thời gian có lúc nghề này bị lu mờ. Nay, nghề dệt truyền thống đã trở lại và phát triển nhờ công tác đào tạo nghề và sự truyền nghề của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ.

Ở Buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), chị Amí Minh đã có thể làm chủ được mọi công đoạn, từ dệt đến may trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Chị Minh cho biết, hiện “HTX Dệt may truyền thống” trong buôn Trinh có 10 thành viên. Điều này làm chị rất vui, vì trước đây việc động viên chị em đi học dệt rất khó khăn. Nhiều chị em cho rằng dệt vải vừa tốn thời gian, công sức, trong khi hàng bán sẵn vừa rẻ vừa đẹp.

Chị Amí Minh đã rất cố gắng để chứng minh cho chị em thấy việc giữ gìn nghề dệt là quan trọng. Chị đã gặp các nghệ nhân trong buôn, nhờ dạy lại cho chị, rồi chị may thành váy áo để mặc cho bà con xem. Chị kiên trì chia sẻ với bà con rằng hoa văn dệt bằng tay đẹp hơn, độc đáo hơn đồ mua sẵn. Chị giới thiệu những chiếc áo truyền thống của dân tộc mình, khác với áo cách tân, trang phục hàng ngày, khác trang phục sân khấu... Bằng sự hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình và được học nghề may hiện đại một cách bài bản, lâu dần Amí Minh đã thuyết phục được các chị em trong buôn theo đến các lớp học nghề dệt thổ cẩm và lớp may mặc do Hội Phụ nữ tổ chức.

Chị Amí Minh (người áo trắng) giới thiệu các sản phẩm do chị thiết kế, may cho khách hàng
Chị Amí Minh (người áo trắng) giới thiệu các sản phẩm do chị thiết kế, may cho khách hàng

Theo chị Amí Minh, trước đây vì cuộc sống khó khăn, hằng ngày chị đi làm rẫy, khi mọi việc xong mới bắt đầu công việc dệt may. Gần đây, khi cuộc sống ổn hơn, các con cũng đã lớn, thì chị dành thời gian nhiều hơn cho công việc này. Cùng với đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ, Amí Minh càng gắn bó với nghề may trang phục thổ cẩm nhiều hơn. Chị còn được mời dạy cho các lớp dạy nghề dệt may tại địa phương, do Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ tổ chức. Hiện Amí Minh chỉ chuyên may trang phục thổ cẩm. Chị thích sáng tạo thêm cho chiếc áo thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc mình vừa dễ sử dụng mà vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc.

Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ bên chiếc máy may, máy vắt sổ, Amí Minh vừa may, vừa thiết kế hoa văn thổ cẩm theo phong cách của các dân tộc khác nhau rồi chuyển cho các thợ dệt thổ cẩm truyền thống dệt. Chị cũng vẫn chăm chỉ học thêm từ nghệ nhân, từ những đồng nghiệp để nâng cao tay nghề và để đa dạng sản phẩm may mặc, vừa giảm giá thành đến ức thấp nhất để phù hợp với điều kiện kinh tế chung của số đông bà con trong buôn.

Trên thực tế, các sản phẩm truyền thống như: Váy, áo, túi xách của phụ nữ sử dụng chất liệu thổ cẩm Tây Nguyên đã được đông đảo người dân cũng như khách hàng gần xa đón nhận. Đây là minh chứng xác thực, thể hiện sức hút của sản phẩm truyền thống; là kết quả của đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, để họ giữ gìn và phát huy được nét đẹp của dân tộc mình và có thể sống với giá trị văn hóa mà nó đem lại.