Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người gọi thần linh trong cồng, chiêng cất tiếng

Lương Định - 00:40, 01/06/2023

Tại vùng đồng bào Xtiêng tỉnh Bình Phước, nghệ nhân Điểu Kiêu có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Nhiều năm nay, nghệ nhân Điểu Kiêu luôn tận tụy trao truyền những kiến thức về âm nhạc dân gian của dân tộc mình cho lớp trẻ.

Đồng bào Xtiêng múa xoang và diễn tấu chiêng.
Đồng bào Xtiêng múa xoang và diễn tấu chiêng

Theo nghệ nhân Điểu Kiêu chia sẻ, người Xtiêng ở Bình Phước có hai nhạc cụ đặc sắc và tiêu biểu nhất là cồng (goong), chiêng (ching). Dàn cồng gồm 6 chiếc bằng và dàn chiêng gồm 5 chiếc có núm. Đây là hai nhạc cụ mang tính tâm linh, được đồng bào Xtiêng coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị lớn trong gia đình và cộng đồng.

Theo quan niệm của người Xtiêng, trong mỗi chiếc cồng, chiêng đều có hồn vía và thần linh trú ngụ. Các vị thần linh càng trú ngụ lâu đời thì cồng, chiêng càng linh thiêng và có sức mạnh siêu phàm. Chính vì thế, trong luật tục, người Xtiêng không cho phép đánh cồng, chiêng một cách tùy tiện. Cồng, chiêng chỉ được sử dụng vào dịp lễ hội, cưới hỏi hoặc sau khi hoàn thành những công việc quan trọng như phát rừng, dọn rẫy, tỉa bắp, tỉa lúa, thu hoạch mùa màng.

Nghệ nhân Điểu Kiêu biểu diễn kèn bầu 6 ống.
Nghệ nhân Điểu Kiêu biểu diễn kèn bầu 6 ống

Ngoài ra, cồng, chiêng cũng được sử dụng trong các nghi lễ của gia đình và phum sóc, trong những dịp tiếp khách quý... Trong các sự kiện này, âm thanh cồng, chiêng mang thông điệp báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của gia chủ đối với trời đất và cộng đồng. Mỗi nhịp điệu cồng, chiêng vang lên giúp đồng bào “thông tin trực tiếp” đến đấng thần linh, cũng là cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhưng, để thần linh về ngụ trong cồng, chiêng cất lời lên tiếng, trước khi mang hai nhạc cụ này ra sử dụng, người Xtiêng phải làm một lễ cúng rất thiêng liêng, trang trọng…

Hiện nay văn hóa truyền thống của người Xtiêng đang dần bị mai một theo thời gian. Dàn cồng, chiêng hay kèn sừng trâu, tiếng sáo trúc, tiếng đàn jút, những bài dân ca, những điệu dân vũ không còn hấp dẫn đối với giới trẻ. Trong khi đó, số người biết sử dụng cồng, chiêng hay kèn sừng trâu hiện nay phần lớn đã cao tuổi và chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc truyền thống Xtiêng, nghệ nhân Điểu Kiêu đã tập hợp nhiều người trẻ trong thôn để truyền dạy cho lớp trẻ. Ngoài việc giảng dạy kỹ thuật, ông còn giải thích cho thế hệ trẻ hiểu về tầm quan trọng của cồng, chiêng đối với văn hóa dân tộc, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. “Khi giới trẻ có hứng thú với nhạc cụ và văn hóa truyền thống là họ đã ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc ấy”, nghệ nhân Điểu Kiêu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Sau một thời gian dài tưởng như đã “ngủ quên” trong các bản làng vùng cao, thổ cẩm của người Cơ Tu trên mảnh đất đầu nguồn sông Cu Đê đã được đánh thức bởi những bàn tay tài hoa của chị em phụ nữ ở Tà Lang - Giàn Bí, mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.