Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người Hà Nhì giữ rừng đầu nguồn sông Đà

Diệp Chi - 18:04, 10/06/2023

Khắc ghi lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây…”, bà con người Hà Nhì tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên luôn chủ động góp sức cùng các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, tạo thành trì vững chắc bảo vệ những cánh rừng già đầu nguồn sông Đà được xanh tốt…

Người Hà Nhì ở bản Tá Sú Lình phát đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng.
Người Hà Nhì ở bản Tá Sú Lình phát đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng

Từ xưa đến nay, tại mảnh đất cực Tây Tổ quốc, các thế hệ người Hà Nhì luôn gìn giữ, bảo vệ tốt “lá phổi xanh” của thiên nhiên.

Bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với hơn 320 ha rừng tự nhiên, trong đó có 240 ha diện tích do cộng đồng bản bảo vệ. Để quản lý tốt diện tích rừng, Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tá Sú Lình thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng… Nhờ đó, khu rừng nguyên sinh nơi đây đã được bảo vệ tốt trong thời gian qua.

Ông Chảo Trố Phạ - Bí thư Chi bộ bản Tá Sú Lình chia sẻ: “Tôi luôn quán triệt các cán bộ, đảng viên và Nhân dân có ý thức quản lý bảo vệ diện tích rừng đã được Nhà nước quy hoạch, bảo vệ”.

Bản Tá Sú Lình hiện có 24 hộ, 108 nhân khẩu. Với diện tích rừng được giao khoán bảo vệ, trung bình mỗi năm, người dân trong bản nhận được kinh phí hỗ trợ trên 240 triệu đồng. Hiện nay, bản có 4 tổ tuần tra với sự tham gia của hầu hết các hộ dân trong bản. Không chỉ vậy, tận dụng những tán rừng xanh mát, 80% hộ dân của bản còn trồng sa nhân để tăng thu nhập cho gia đình…

Không chỉ bản Tá Sú Lình, mà cộng đồng người Hà Nhì ở 7 bản của xã Sín Thầu đều chung sức quản lý, bảo vệ tốt gần 12.000 ha rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 73%.

Còn tại Tả Ló San, một trong những bản của người Hà Nhì ở xã Sen Thượng nhiều năm nay cũng nổi tiếng bởi kỳ tích giữ rừng. Cả bản chỉ có 24 hộ dân nhưng chăm sóc, bảo vệ đến hơn 2.755 ha rừng, trong đó hầu hết là rừng nguyên sinh. Bìa rừng cách khu dân cư chỉ khoảng 300 m nhưng có nhiều thân cây lớn, tán rậm rạp, nhiều động vật chim, sóc sinh sống.

Rừng Tả Ló San hiện nay không chỉ mang ý nghĩa về bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm sinh thái, giữ đất đai mà còn đóng vai trò mang lại nguồn kinh tế thiết thực cho dân bản. Qua tìm hiểu, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tả Ló San tính theo đầu người cao nhất tỉnh Điện Biên. Cụ thể, năm 2021, bản được hưởng hơn 2,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; đến năm 2022, mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi hộ 6 khẩu trở lên sẽ hưởng từ trên 100 triệu đồng/năm từ rừng - một khoản tiền mà những hộ ở vùng sâu, vùng xa không đơn giản để làm ra được.

Trao đổi với anh Lỳ Sơn Phạ, công dân mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về Tả Ló San sinh sống, lập nghiệp, anh cho biết: “Có tiền nhưng chỉ biết tiêu đi thì nhiều mấy cũng hết thôi! Tôi đang tính nâng cấp cái nhà cho vợ con sinh hoạt được rộng rãi hơn. Rồi mua con trâu giống để nuôi sinh sản”.

Giữ rừng tốt, hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi năm, mỗi hộ đồng bào Hà Nhì ở huyện Mường Nhé có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng nhờ góp công bảo vệ rừng. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhiều gia đình trở thành điển hình về phong trào giữ rừng nơi cực Tây của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.