Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chuyện giữ đất của người Hà Nhì ở Lao Chải

Trọng Bảo - 19:03, 30/11/2021

Từ một nơi chỉ có hơn chục hộ dân sinh sống trong điều kiện cơ sở hạ tầng, điều kiện sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhưng sau một chặng đường phát triển, nay thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã có trên 100 hộ là người Hà Nhì sinh sống. Ở đó, bà con rất đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, giữ đất, giữ làng, bảo tồn nét đặc sắc văn hóa dân tộc mình.

Nhiều ngôi nhà trình tường với mái phủ rêu xanh vẫn còn được bà con gìn giữ
Nhiều ngôi nhà trình tường với mái phủ rêu xanh vẫn còn được bà con gìn giữ

So với các thôn của xã Trịnh Tường, thì Lao Chải là nơi duy nhất vẫn còn những khu rừng nguyên sinh, với nhiều loài cây cổ thụ. Cũng vì ở nơi xa xôi giữa đại ngàn, với khí hậu mùa đông khắc nghiệt, sương mù giá lạnh, nên người Hà Nhì ở đây sống quây quần thành 2 xóm cách nhau khoảng 500m. Để chống thú dữ và sương tuyết và giúp ấm về mùa đông, mát về mùa hè, người Hà Nhì làm những ngôi nhà 4 mái kín đáo với tường đất dày.

Và theo đó, đến nay, ở thôn Lao Chải, đồng bào Hà Nhì vẫn còn giữ được những ngôi nhà đất cổ, với mái lợp tranh, phủ lên đó là lớp rêu xanh tôn thêm vẻ cổ kính. Trong khi ở xã Y Tý, nhiều gia đình Hà Nhì đã thay mái nhà cỏ bằng tấm lợp xi măng hoặc mái tôn.

Các tổ chức, đoàn thể giúp đồng bào Hà Nhì dọn dẹp cảnh quan, khu vực xung quanh nhà ở, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp
Các tổ chức, đoàn thể giúp đồng bào Hà Nhì dọn dẹp cảnh quan, khu vực xung quanh nhà ở, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp

Trò chuyện với già làng Lý Giá Xe, được biết, mấy năm trở lại đây, sau khi quy hoạch xây dựng Y Tý trở thành thị trấn du lịch được tỉnh Lào Cai thông qua, thì không ít người đã lên đây tìm mua đất. Giá đất tăng theo từng ngày, dù không có bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV). Trước đây, người ta sẵn sàng cho nhau mảnh đất cả trăm mét vuông, thì nay được trả giá cả vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, nên việc mua bán đất vẫn diễn ra như cơn sóng ngầm ở nơi rẻo cao này.

“Thôn Lao Chải chúng tôi chỉ cách thôn Phìn Hồ của xã Y Tý khoảng 5km, nên cũng có rất nhiều người đến hỏi mua. Tuy nhiên, dù trả giá cao đến đâu, thì bà con trong thôn cũng quyết không bán, dù là một mét đất”, già làng Xe thông tin.

Cũng theo già làng Xe, thì việc bà con không bán đất cũng có quy định riêng của thôn. Ngay từ những ngày đầu thành lập, thôn đã quy định đất trong thôn là thuộc sở hữu chung, mọi gia đình có thể chọn bất kỳ nơi nào để làm nhà cho con cháu, nhưng tuyệt đối không được phép bán cho người ngoài. 

Người ngoài làng cũng không thể đến đây ở, khi làng chưa đồng ý. Điều này giúp giữ gìn không gian văn hóa và bản sắc riêng của người Hà Nhì. Người Hà Nhì có tính cộng đồng cao, nên quy định này rất được tôn trọng, không có ai vi phạm.

“Năm 2020, có một hộ dân trong thôn bất chấp quy định, đã bán ngôi nhà cổ cho một người dưới trung tâm xã. Ngay khi biết chuyện, dân làng đã yêu cầu chủ nhà phải lấy lại ngôi nhà, không cho người lạ đến ở trong làng. Trước yêu cầu của bà con trong thôn, chủ ngôi nhà cổ đành phải mua một mảnh đất khác, ngoài thôn Lao Chải trả cho người kia. Sau này, không ai trong thôn còn ý định bán đất, bán nhà cho người nơi khác đến”, già làng Xe kể.

Trong làng của đồng bào Hà Nhì đã thấp thoáng xuất hiện những ngôi nhà xây kiên cố thay cho ngôi nhà trình tường truyền thống
Trong làng của đồng bào Hà Nhì đã thấp thoáng xuất hiện những ngôi nhà xây kiên cố thay cho ngôi nhà trình tường truyền thống

Đến thôn Lao Chải hôm nay, dễ dàng cảm nhận được những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Hà Nhì nơi đây. Sự thay đổi này bắt nguồn từ sự quan tâm của Nhà nước bằng những chương trình, dự án chính sách dân tộc; cùng với đó là Chương trình xây dựng Nông thôn mới như luồng gió mới, thổi vào đây bao sự đổi thay. 

Theo đó, Lao Chải không còn là “ốc đảo” heo hút giữa đại ngàn. Đường lên thôn đã được trải nhựa như dải lụa uốn quanh những triền núi. Lên bản của đồng bào Hà Nhì bây giờ chỉ mất hơn một tiếng đi xe máy. Cung đường này cũng là lựa chọn của nhiều du khách, bởi họ sẽ được ngắm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, cảnh vật và con người nơi đây.

Tuy nhiên, già làng Xe đang rất suy tư, bởi bên cạnh những ngôi nhà đất truyền thống, trong làng đã xuất hiện những ngôi nhà tường xây kiên cố. Dù những ngôi nhà xây mới ấy thể hiện cho sự phát triển chung của đồng bào, giúp bà con có cuộc sống tiện nghi hơn, không gian rộng rãi, thoáng mát hơn.

Già bảo, "bà con làm được nhà to thì cũng thấy vui đấy, nhưng mà nếu ai cũng cứ xây nhà mà bỏ nếp nhà truyền thống bao đời nay thì không biết sau này con cháu mình có còn được ngắm những ngôi nhà mà tổ tiên, cha ông đã từng ở…”.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức lễ khánh thành Chợ phiên Phja Đén; công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về công nhận làng nghề miến dong Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình và đón Bằng công nhận cây di sản Việt Nam.