Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người làm hồi sinh điệu Tamya Ariya truyền thống

Hoàng Thùy - 15:03, 25/09/2020

Nghệ nhân Tou Neh Ma Bio ở bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) được xem là một “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru. 15 năm qua, bà đã “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ, làm hồi sinh các vũ điệu cổ, giữ tiếng cồng, chiêng mãi âm vang. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của huyện Đơn Dương được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 sắp tới.

Nghệ nhân Ma Bio và khèn bầu
Nghệ nhân Ma Bio và khèn bầu

Ma Bio là con gái út trong gia đình có 6 anh, chị em. Từ nhỏ, Ma Bio đã đam mê múa hát, đánh chồng chiêng nên 8 tuổi đã thành thục nhiều điệu múa, 10 tuổi biết đánh chiêng. 

Mê văn hóa truyền thống, bà quyết định chuyên tâm dành cả đời mình cho văn hóa dân tộc. Cũng vì thế Ma Bio được gia đình chọn làm người kế tục các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình như bộ chiêng cổ, vũ điệu Tamya Ariya của dân tộc Chu Ru.

Nghệ nhân Ma Bio chia sẻ: Với đồng bào Chu Ru, vũ điệu Tamya Ariya mang ý nghĩa, vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng. Trong lễ hội và những sự kiện trọng đại suốt cuộc đời mỗi con người không thể thiếu vũ điệu Tamya Arya. Động tác của vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ, mang tính cộng đồng cao. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, thanh niên không còn thích thú cồng chiêng cũng như các vũ điệu truyền thống. Vũ điệu Tamya đã có lúc vắng bóng trong các nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Trăn trở lớn nhất của bà chính là việc khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Bà cất công đi tìm những bộ chiêng quý và mua lại, biên soạn lại những bản nhạc, những điệu múa cổ xưa, mở lớp dạy chiêng, trống và các vũ điệu truyền thống rồi miệt mài thuyết phục các em nhỏ trong làng đến học.

Năm 2007, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đơn Dương hỗ trợ bà mở lớp dạy cồng chiêng và múa hát. Lúc đầu lớp học chỉ có chục em trong làng, dần tăng lên 28 em. 

Miệt mài truyền dạy, bà Ma Bio đã dần khiến lớp trẻ dân tộc Chu Ru hiểu và say mê văn hóa truyền thống dân tộc. Đến nay, bà đã dạy cho khoảng 100 em và thành lập một đội cồng chiêng để đi biểu diễn tại các lễ hội trong và ngoài tỉnh.

Với những cống hiến không mệt mỏi, năm 2007, bà được tỉnh Lâm Đồng công nhận là Nghệ nhân văn hóa của tỉnh. Song đối với Nghệ nhân Ma Bio, hạnh phúc và tự hào nhất chính là làn điệu Tamya Ariya đã thực sự hồi sinh trong cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Đồng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.