Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm: Người tận tâm với văn hóa Sán Dìu

Văn Hoa - 14:19, 04/09/2020

“Tôi chỉ ước mong được ông trời cho có sức khỏe tốt để tiếp tục theo đuổi đam mê bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu”, đó là tâm sự của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lê Đại Năm, dân tộc Sán Dìu, 55 tuổi, ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - Người luôn trăn trở tìm cách “thắp lửa” cho giới trẻ ở quê hương giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm (ngoài cùng bên phải) nhận Quyết định làm Trưởng ban liên lạc các CLB Dân ca Sán Dìu Việt Nam.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm (ngoài cùng bên phải) nhận Quyết định làm Trưởng ban liên lạc các CLB Dân ca Sán Dìu Việt Nam.

Nghệ nhân Lê Đại Năm chia sẻ: Từ nhỏ, ông đã được nghe mẹ của mình hát ru, đọc truyện cổ, truyện thơ… Những bài hát ru của mẹ khiến ông yêu thích và thuộc nhiều bài hát, truyện cổ của người Sán Dìu.

Tuy nhiên, theo thời gian, bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cũng dần bị mai một, khiến ông vô cùng trăn trở, day dứt. Năm 2010, Câu lạc bộ (CLB) dân ca xã Đạo Trù ra đời. Từ thời điểm này, ông dồn hết tâm sức, đam mê vào công việc sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu.

Theo đó, NNƯT Lê Đại Năm đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn, sáng tác nhiều tác phẩm thơ, ca, truyện cổ, các làn điệu soọng cô... Các tác phẩm của ông được in sách hoặc tài liệu để phát miễn phí cho người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Gần đây, ông có hai tập sách mới được xuất bản gồm: Sưu tầm biên dịch các bài hát Thềnh Xèn Cô của dân tộc Sán Dìu và sáng tác hát giao duyên lời mới (2015); Sưu tầm biên dịch và sáng tác dân ca Sán Dìu (2019) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành.

Trong lĩnh vực sáng tác các làn điệu soọng cô, những ca khúc của ông đều được đồng bào nhiệt tình đón nhận. Bài hát “Ngỏ duyên bến núi” do ông sáng tác theo lời mới về chủ đề tình yêu đôi lứa không chỉ đã đi vào lòng người Sán Dìu mà còn tạo được cảm xúc cho nhiều người khi có dịp nghe bài hát này.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm dạy hát soọng cô miễn phí cho các bạn nhỏ.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm dạy hát soọng cô miễn phí cho các bạn nhỏ.

Không chỉ sáng tác, NNƯT Lê Đại Năm còn đau đáu nỗi niềm gìn giữ, bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu. Ông đã đứng ra tổ chức những lớp học tiếng Sán Dìu miễn phí cho thanh, thiếu niên tại địa phương. Xen kẽ những tiết học, ông tranh thủ dạy cho thanh, thiếu niên hát dân ca soọng cô. Hiện nay, lớp học của ông được duy trì thường xuyên, thu hút được nhiều bạn trẻ trên địa bàn theo học.

Chia sẻ về dự định sắp tới, NNƯT Lê Đại Năm bày tỏ: “Tôi dự tính sẽ tiếp tục công việc sưu tầm, biên dịch và truyền dạy văn hóa dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ để kế thừa, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của cha ông, tránh nguy cơ bị mai một, thất truyền”.

Với những đóng góp cho quê hương, cho cộng đồng dân tộc Sán Dìu, NNƯT Lê Đại Năm đã nhận được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2017, ông được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại “Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017”.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dân số không đông nhưng đời sống văn hóa tinh thần của người Lào có nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu của người Lào là "Bun Vốc Nặm"- lễ hội té nước được tổ chức vào cuối mùa Xuân với mong ước, cầu mưa thuận, gió hòa một vụ mùa mới bội thu…