Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Người Lào làm du lịch cộng đồng

Lê Hường - 01:34, 12/07/2024

Từ nhiều năm nay, cộng đồng người Lào ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã biết khai thác giá trị văn hóa đặc trưng riêng để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Từ việc làm du lịch, cuộc sống của cộng đồng người Lào nơi đây ngày càng khởi sắc.

Lễ hội Bunpimay của người Lào thu hút đông đảo du khách
Lễ hội Bunpimay của người Lào thu hút đông đảo du khách

Từ bản sắc văn hóa…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bun Mi Lào (72 tuổi) ở buôn Trí, xã Krông Na bảo: Khách du lịch đến đây, ngoài thích thú với trang phục, âm nhạc, dân vũ truyền thống dân tộc Lào còn rất ưa thích ẩm thực của địa phương.

Là người yêu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Hằng ở tỉnh Bình Dương nhiều lần lên Đắk Lắk du lịch. Chị Hằng chia sẻ: Đến Đắk Lắk nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm Lễ hội Bunpimay của người Lào. Lễ hội Bunpimay hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lào và khác biệt với văn hóa truyền thống của các dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên. Tôi thật sự rất ấn tượng.

Buôn Trí nằm sát Trung tâm du lịch huyện Buôn Đôn và các khu, điểm du lịch có thương hiệu như nhà sàn cổ trăm tuổi, mộ vua săn voi Khunjunob, cầu treo Buôn Đôn;… Hiện nay, các DTTS ở buôn Trí vẫn còn giữ gìn được nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần; bến nước hoang sơ; 117 ngôi nhà sàn truyền thống; còn duy trì nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc, đặc biệt là lễ hội, ẩm thực của người Lào.

Các cô gái Lào say sưa trong điệu múa lăm vông
Các cô gái Lào say sưa trong điệu múa lăm vông

… đến buôn du lịch cộng đồng hấp dẫn

Cộng đồng người Lào ở huyện Buôn Đôn có hơn 100 hộ, gần 400 khẩu, sinh sống tập trung đông nhất tại buôn Trí, xã Krông Na. Cuộc sống của cộng đồng người Lào êm đềm dưới mái nhà sàn truyền thống, bên dòng sông Sêrêpốk.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk chọn buôn Trí để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, buôn được hỗ trợ 12 hạng mục gồm hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng Mặt trời tại trục đường chính vào buôn, máy vi tính, xây dựng bãi đỗ xe chung, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch…

Tháng 3/2024, buôn Trí được công nhận là Buôn du lịch cộng đồng của tỉnh Đắk Lắk. Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Trí và người dân trong buôn đã sẵn sàng đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và nguồn lực để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Du khách đến buôn Trí thích thú tham gia tục buộc chỉ tay cầu may mắn
Du khách đến buôn Trí thích thú tham gia tục buộc chỉ tay cầu may mắn

Nhiều năm tham gia biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, ban nhạc Kẹng Tí được nhiều người biết đến và yêu thích. Anh Y Nô Ly Kbuôr, thành viên ban nhạc chia sẻ: Kẹng Tí theo cách gọi của người Lào có nghĩa là buôn Trí, bản Trí. Các thành viên ban nhạc hát hay, múa giỏi và thành thạo cồng chiêng, chinh kram, các loại nhạc cụ dân tộc Lào như khèn, đàn, pong lan, trống, sèng… Vì thế, ban nhạc luôn sẵn sàng tập luyện, phát triển thêm thành viên góp phần đưa du lịch buôn Trí phát triển, tạo dựng thương hiệu trên bản đồ du lịch.

Buôn Trí trở thành buôn du lịch cộng đồng, là “cú hích” để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo điều kiện cho người dân trong buôn thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa Lào nói riêng và văn hóa các dân tộc trong buôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr cho biết: Hiện nay, buôn Trí là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện. Để nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch cộng đồng một cách bền vững, Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Trí cần tập trung khai thác các sản phẩm đặc trưng sẵn có của địa phương, xây dựng thương hiệu nổi bật, đặc biệt là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.